(HNMĐT) - Hoàng hôn là thời điểm bóng đêm đã sẵn sàng phủ bức màn nhung bí ẩn những huyền thoại lên trái đất nhưng uy quyền của vương quốc ánh sáng chưa hẳn lụi tàn. Để chỉ thời khắc đặc biệt đó tiếng Việt có hai từ Chập choạng và Nhập nhoạng...
Chợ hoa Quảng an buổi sớm Ảnh: CH
Theo từ điển Chập choạng là trời sắp tối, đang nhá nhem tối; Nhập nhoạng là tranh tối tranh sáng. Trời đất nhập nhòa, chưa phân định đen trắng nên con người lúc đó cũng khác lạ - mọi người đều có một cái gì đó rất giống nhau.
Một ngày mới bắt đầu rất lâu trước khi mặt trời nhô lên rực rỡ phía chân trời, tỏa ánh sáng mênh mang xuống trái đất. Khi đó, từ các ngả ngoại vi từng dòng người gồng gánh, từng đoàn xe tải nặng hàng tất bật dồn về thành phố. Chợ hoa Nhật Tân đỏ đèn đầu tiên. Hoa hồng, hoa loa kèn, hoacúc, hoa huệ... mới hái chưa kịp đẫm sương đêm ngất ngất từng chồng, từng gánh. Hoa cúc đại đóa vàng rực như những tấm thảm. Hoa loa kèn trắng tinh khiết. Hoa cẩm chướng lấp lóe như những đốm lửa. Chợ rau đêm đầu cầu mát những xu hào tươi non, cà rốt đỏ thẫm, su su xanh mướt, ớt chỉ thiên nhấp nhánh dưới ánh đènmờ tỏ. Chợ cá Thanh Trì gần đường cao tốc Pháp Vân từng gánh, từng xe. Mè, tôi, trắm, chép... quẫy, sục như vật đẻ. Người đông, hàng như núi mà nhịp nhàng, mạnh mẽ như cơ thể của vận động viên vào cuộc đua. Hàng được khẩn trương xếp lên xe về Phòng, xuôi Nam cho kịp phiên chợ sớm... Chợ rau đêm khu vực chợ Mơ, chợ Hôm họp muộn hơn. Những người buôn bán lẻ từ các chợ tạm, những bà nội trợ lo toan, những người đi thể dục sớm có thể tìm thấy ở đây, trong ánh đèn đỏ quạch, những thứ cần vừa tươi nguyên, vừa rẻ. Chợ đêm chuẩn bị tan là lúc đội quân bán rong bánh mì, xôi... vội vã tỏa đi khắp mọi ngóc ngách mê cung của thành phố đang ngái ngủ. Dù rất chưa muốn nhấc đầu khỏi cánh tay trần mềm mại và ấm nóng của vợ; dù đang đê mê với giấc mơ êm đẹp, người ta cũng buộc phải vươn vai tỉnh giấc với chương trình Chào buổi sáng để hối hả chuẩn bị cho con đến trường và mình đến công sở.
Một quan chức đường bệ soi lại mái đầu lần cuối, chờ vợ sửa lại cho chiếc cà vạt, điềm tĩnh xách cặp bước lên chiếc xe đen bóng. Một bà bán bánh mì rong vẹo cổ vì rổ bánh trên đầu vẫn cố rao cho to, cho tha thiết với hy vọng sẽ bán thêm được một chiếc bánh nghìn bạc. Tất cả cùng bước vào một ngày mới lao động với khát khao một cuộc sống tốt hơn, với ước mơ ngày mới sẽ là một cơ hội nữa đổi đời. Bước vào một ngày mới, một hy vọng mới, aicũng như ai - lo toan và đầy khát vọng.
Ngày tàn, công việc đã xong, đến lúc điểm lại những gì đã thu được, tính toán những thiệt hơn sau một ngày công lao, người ta bắt đầu hoàn toàn khác nhau. Hai bà bán bánh mì khác nhau. Hai ông xe ôm khác nhau. Hai công nhân khác nhau. Hai viên chức khác nhau. Hai ông chủ khác nhau. Hai quan chức khác nhau. Không một ai giống ai bởi tất cả cùng chung một điểm - ngày qua mình đã mất được những gì.
Bình minh lên mọi người giống nhau vì thế. Hoàng hôn xuống không ai giống ai vì thế.
Cái thời khắc kỳ diệu đó của trời đất; cái thời điểm đặc biệt đó của con người là lúc gà lên chuồng, người chưa nhọ mặt. Cái lúc tranh tối tranh sáng đó tôi cứ nghĩ chính xác nhất phải gọi là giờ Nhập nhoạng. Trời và đất Nhập nhoạng. Ngày và đêm Nhập nhoạng. Con người và cuộc sống vì vậy cũng Nhập nhoạng.
Tôi không rõ nhiếp ảnh gia nổi tiếng nào đó đã khẳng định: Muốn chụp một chân dung sống động nhất, có hồn nhất với ánh mắt thôi miên người xem thì phải rình, phải chộp được thời điểm người được chụp đang vô hồn nhất, nghĩa là trong đầu rỗng tuếch, mắt không định hướng. Người xem sẽ tự cảm thấy, tự nhận thấy chân dung đó là cả một khối tư duy bao trùm vũ trụ với ánh mắt xuyên suốt tâm hồn người xem và làm người ta choáng ngợp. Ngẫm kỹ, kiểm nghiệm kỹ, tôi thấy đúng. Rất đúng. Vào thời điểm nhập nhoạng trông ai cũng như vô tư lự, ai cũng muốn rũ bỏ tất cả bụi trần, nhưng thực chất không phải. Chân dung con người chuẩn xác nhất là lúc đó.
Tôi thật yêu, thật ngây ngất thời điểm thành phố lên đèn.
Và buồn và thờ ơ một cách kỳ lạ. Giờ ấy công sở đã tan mà nhà chưa muốn về. Vợ còn đi chợ. Con đang học thêm. Cơm còn lâu. Nhà hát, rạp chiếu phim chưa mở cửa. Vũ trường lại càng chưa rực rỡ. Khách làng chơi đang tân trang... Rỗi hơi, vô địch giữa ngã ba đường. Lúc ấy đến trai gái cũng chưa muốn gần nhau...
Lúc ấy người sang thong thả chuẩn bị trang phục, đồ nghề lên xe tới sân quần vợt. Người khác rốn lại cơ quan chơi mấy hiệp bóng bàn, cầu lông. Kẻ đam mê, túi rủng rỉnh rút di động ới nhau tới quầy ba. Ai “bụi” kéo cái ghế tợp chén rượu suông vỉa hè, nhâm nhi thiên hạ xô bồ. Mấy bà nội trợ cũng chưa vội. Mặc lũ con vừa đón ở trường chạy nghịch, họ tranh thủ kêu ca với nhau mấy ông chồng dạo này hay về muộn, mồm sặc mùi và đầu tóc, quần áo cũng toàn mùi. Mấy bà hàng rong tụ lại, xây lưng lại với nhau, ngả ngón, lần cạp quần giở mớ tiền lẻ đếm đi đếm lại, tính toán. Đề chưa về, các tay bán lẻ cố gặt hái nốt những con bạc cuối cùng.Giờ ấy chỉ quán bia là đông. Ngao ngán là đông...
Giờ ấy. Giờ nhập nhoạng ấy.
6 giờ tối. Mùa đông. Mưa phùn. Đê Nhật Tân. Trong đê nhiều biệt thự đang lên đèn. Những mái ấm êm đềm. Ngoài đê, ngoài hàng rào của cái chợ hoang (tôi gọi vậy vì từ khi cắt băng khánh thành chẳng khi nào đi qua thấy họp chợ dù phải mất bạc tỷđể lập dự án, thiết kế và xây dựng nó) mấy chị công nhân vệ sinh môi trường đang cố hót nốt những đống rác cuối ngày. Cách đó một đoạn, dưới vệ đê, quay lưng lại với gió thốc, hai con nghiện đang che lạnh và chích cho nhau. Đầu một ngõ dài hun hút dẫn vào mấy ngôi nhà cao tầng mới xây cạnh những căn nhà nhỏ bé, tạm bợ là một quán nước tuềnh toàng che sơ sài bằng vải bạt. Chủ quán, một bà không nhìn rõ mặt, không rõ tuổi, vừa cố cất giọng khàn khàn mỏi mệt quát thằng con chân đất đang đuổi theo mấy cái túi ni lông lật vật cuốn theo gió chạy ù về mà lo cơm không tý bố mày về thì nhừ đòn, vừa cố chịu nốt mấy ông khách co ro ngồi xổm trên ghế tợp chén chè gạn nguội ngắt, rít thuốc lào vặt, mong kiếm thêm mấy đồng bạc lẻ, đủ chén rượu cho ông chồng còn lê la đâu đó, chưa về.
26 Tết, khoảng 7 giờ tối. Trung tâm thương mại Tràng Tiền chưa mấy khách đêm. Tủ kính trưng bày quần áo thời trang, đồ hiệu phía phố Tràng Tiền hắt ra một thứ ánh sáng bàng quan, lạnh ngắt. Sát tường một bà già ngồi bên một chiếc cân sức khỏe đưa ánh mắt nửa bất lực, nửa hy vọng dõi theo những người khách qua đường thưa thớt.
Tôi hỏi:
- Cũng đã tối rồi, lạnh thế này nữa, bà không về nghỉ đi, ngồi rốn, nói dại, nhỡ khi...
- Thì bác tính, về nhà để làm gì. Giờ này đã có ai đâu.
- Thế các anh các chị ấy đâu ạ?
- Thì các cháu đứa nào cũng bận cả. Chẳng làm được việc gì, rốn một tý, phụ chúng nó đồng rau, đồng dưa...
Cho đến hôm nay, vào khoảng giờ ấy, thỉnh thoảng đi qua, tôi vẫn thấy bà nhẫn nại ngồi đó, bên cái cân sức khỏe.
Đã từ lâu giờ ăn của người Hà Nội đã thay đổi. Buổi trưa không còn mấy ai vội về - con bán trú, cơm nước chỗ nào chẳng sẵn. Bày đặt nấu nướng cách rách, mất thì giờ. Buổi chiều, cũng chẳng đi đâu mà vội. Có phải xếp hàng, tem phiếu nữa đâu. Tan sở tranh thủ thêm chút thể thao, thêm chút giao tiếp. Bếp ga, bếp điện, lò vi sóng mấy nhà thiếu. ù cái là xong bữa ăn.
Ông bạn tôi là một kỹ sư xây dựng tài năng. Nhà nghèo, lại chỉ có hai mẹ con nên từ nhỏ ông đã tự lập, chỉ biết học và học. Vào đời, lấy vợ, sinh con, suốt bao nhiêu năm ông miệt mài với những bản vẽ, với những đồ án và kỳ cạch với chiếc máy dệt kiếm thêm. Quanh năm suốt tháng cắm mặt kiếm tiền, ông không hề biết vị chát ngọt của chén trà; vị đắng thơm của tách cà phê; vị mát bổ của vại bia. Đổi mới lúc nào ôngkhông hay. Rồi khi vợ sắm ôtô cho con ông vẫn bận rộn suốt ngày. Chợt một sáng nọ, tỉnh giấc, ông bàng hoàng nhận thấy luận án tiến sĩ mà ông mất bao nhiêu năm nghiền ngẫm chẳng để làm gì - ông tự nhiên, nghiễm nhiên từ phó tiến sĩ đã trở thành tiến sĩ. Ngheông hỏi tại sao, người ta nhìn ông như nhìn Đôngkisốt đánh nhau với cối xay gió. Thế là ông, như nàng công chúa bao năm ngủ trong rừng, tỉnh giấc. Té ra nhà ông đã giàu từ lâu. Rất giàu là đằng khác. Theo yêu cầu của bạn bè, ông đi rửa - rửa sự tỉnh ngủ. Từ đó, cách sống của ông thay đổi hẳn. Giờ nhập nhoạng ông không vội về nhà, cũng không cố nán lại cơ quan. Ông lang thang vui vẻ cho bõ những ngày u mê...
Nguyễn Triều(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.