(HNNN) - Nếu tới Malaysia, du khách có thể đến thăm một thành phố đặc biệt mà ở đó, họ được ngắm bức tượng mèo kỳ lạ, dạo chơi tại Bảo tàng Mèo có một không hai trên thế giới...
Chẳng giống như các thành phố khác nổi tiếng do phong cảnh đẹp, phong tục lạ, sắc dân đa dạng hoặc sản vật độc đáo, thành phố Kuching - thủ phủ của bang Sarawak ở Malaysia - lại nổi tiếng bởi một loài vật tạo nên biệt danh của nó: “Thành phố Mèo”.
Ngay trước cửa vào trung tâm thành phố, du khách có thể nhìn thấy một cái cổng lớn, bên trên có dựng tượng một chú mèo với chiếc đuôi xoắn tít lại tựa như lưỡi tầm sét. Đây không phải là cảm hứng hay liên tưởng lãng mạn của người nghệ sĩ tạc tượng mèo, mà chính là thể hiện một sự thật: Hầu hết những loài mèo tại Kuching đều có đuôi xoắn hoặc cụt đuôi.
Nguồn gốc chủng loại mèo tại Kuching cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Ngay từ thế kỷ XVI, những du khách nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Kuching đã kinh ngạc khi chứng kiến cảnh thành phố ngập tràn mèo. Những con mèo nhởn nhơ nơi ngõ hẻm, vắt vẻo trên thành cửa sổ của dinh thự tráng lệ hoặc kéo nhau chạy hàng đoàn trên đường phố, thậm chí chui vào nơi ăn nghỉ của du khách để quậy phá.
Tuy nhiên, chẳng cư dân bản địa nào ở Kuching lại chán ngán hay bực tức vì mèo. Có giả thiết cho rằng mèo tại Kuching vốn theo chân những lái buôn Trung Quốc đầu tiên đến buôn bán tại thành phố này. Giả thiết khác lại cho rằng, có thể đó là hậu duệ của những con mèo đảo Manx do một thương gia Đông Ấn bỏ quên. Cũng còn giả thuyết nữa: Mèo tại Kuching hiện là con cháu của mèo rừng lai phối với loài mèo Xiêm, vốn được nhập vào Kuching cách nay chưa lâu.
Trong ngôn ngữ Mã Lai, “kuching” có nghĩa là “mèo”. Khi Kuching được nâng cấp từ một tỉnh nhỏ lên thành phố vào năm 1988, người dân nơi đây đã ăn mừng sự kiện này bằng cách dựng lên tượng một chú mèo ngay cổng vào thành phố. Bức tượng rất lớn, mang tên “Đại Miêu” và được coi là biểu tượng đầy tôn kính, tự hào của thành phố. Đây là một trong những tượng mèo lớn nhất, được quan tâm và chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới.
Vào các chiều chủ nhật đẹp trời, nhiều gia đình ở Kuching trang điểm, ăn mặc đẹp đẽ kéo nhau tới chụp ảnh dưới chân tượng chú mèo khổng lồ mắt xanh, lông vàng. Từng chiếc xe du lịch đỗ lại, tuôn ra hàng đoàn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng bức tượng mèo độc đáo.
Ngoài tượng Đại Miêu ra, tại Kuching còn có một địa điểm đặc biệt khác, đó là Bảo tàng Mèo. Cũng được lập ra từ năm 1988 (và nâng cấp chính thức từ năm 1993), bảo tàng này quy tụ vô số hiện vật, hình ảnh, tài liệu liên quan đến mèo, là sự pha trộn giữa tính dân gian và tín ngưỡng, giữa hiện thực và giả tưởng dưới nhiều góc cạnh, cường độ khác nhau. Bảo tàng Mèo được chia làm nhiều gian. Những du khách ham khám phá có thể đi vào các gian để tìm hiểu về loài vật bốn chân gần gũi này.
Tại đây, họ được biết nhiều thông tin thú vị, chẳng hạn, ngay từ thuở xưa, người Ai Cập cổ đại đã tôn mèo lên hàng thần thánh và khóc than thảm thiết lúc mèo chết, y như khi người thân qua đời. Những du khách thích nhìn ngắm hơn thì bước vào gian trưng bày các loài mèo và tại đây, họ chìm ngập trong thế giới mèo với đủ mọi tư thế, hình dáng và chất liệu; có cả những xô chậu đựng nước mang hình mèo, thìa dĩa mèo, gạt tàn mèo, lọ hoa mèo, biểu ngữ mèo, phù điêu mèo...
Ở bảo tàng nói trên còn có một tượng mèo rất đặc biệt, đó là một con mèo tam thể Nhật Bản mang tên Manekineko. Con mèo này lại có 2 phiên bản: Một chú có chân phải đưa lên cao với ý nghĩa “đón mừng sự thịnh vượng”; một chú giơ chân trái lên cao với ý nghĩa “chào mừng khách hàng”. Cả hai tượng mèo này được trưng bày trong phòng khách, chủ yếu dành cho những du khách là doanh nhân. Du khách cũng có thể đến thăm phòng tranh nghệ thuật về mèo, nơi trưng bày nhiều bức tranh mèo đặc sắc của các họa sĩ Trung Quốc và Nhật Bản.
Ở bảo tàng này còn có cả một phòng triển lãm những danh nhân thế giới yêu mèo như Victor Hugo, Abraham Lincoln và Albert Einstein là những người mê mèo; Florence Nightingale nuôi dưỡng hàng chục con mèo và hiếm khi ra ngoài mà không mang theo ít nhất một con; Ernest Hemingway chẳng những cho mèo ngồi chung bàn ăn mà còn cho nó ngồi ăn trong lòng mình...
Ra về, du khách có thể ghé mua các vật lưu niệm về mèo tại một cửa hàng trong Bảo tàng Mèo - gồm tượng mèo, búp bê mèo, vòng mèo, khăn và áo phông in hình mèo, sách và tạp chí về mèo. Mặc dù trong thành phố Kuching có không ít gia đình nuôi chó, nhưng mỗi khi du khách bước vào Bảo tàng Mèo thì không được mang chó theo. Quy định này có lẽ xuất phát từ mối mâu thuẫn truyền kiếp giữa chó với mèo - hai loài vật nuôi rất gần gũi, đáng yêu của con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.