Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh niên nông thôn thế hệ @

Vũ Thủy| 21/03/2010 06:21

(HNM) - Nhân Tháng Thanh niên 2010, ngày 20-3, lần đầu tiên Thành đoàn Hà Nội tổ chức Festival dành cho thanh niên khối nông thôn. 80 mô hình tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn thanh niên nông thôn Thủ đô làm kinh tế giỏi được tuyên dương. Họ chính là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới.

Người làm sống dậy làng nghề

Từ niềm đam mê với nghề thêu ren truyền thống, Lê Thị Hoài Phượng (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) đã trở thành chủ cơ sở sản xuất khung tranh và tranh thêu Luyến Phượng, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở vùng quê thuần nông - nơi đời sống kinh tế của nhân dân địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Chị Lê Thị Hoài Phượng.

Phượng kể, trước đây thôn Hoành, xã Đồng Tâm có nghề thêu ren truyền thống cho các công ty xuất nhập khẩu, vì thế con gái ở làng ai cũng quen với cái kim, sợi chỉ từ bé. Từ năm lớp 7, lớp 8, ngoài thời gian đi học, Phượng vẫn thường theo chị gái đi nhận hàng gia công thêu ren quần áo thời trang, chăn, ga, gối, đệm. Nhưng từ khi xóa bỏ bao cấp, các đơn đặt hàng ở làng thưa dần, nên nghề này cũng dần mai một theo thời gian. Năm 1997, sau khi xây dựng gia đình, Phượng lại bắt đầu khởi nghiệp nghề thêu ren chăn, ga, gối, đệm, nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì phải cạnh tranh với các làng nghề thêu ren khác ở huyện Thường Tín. Năm 2000, Phượng quyết định chuyển sang sản xuất mặt hàng tranh thêu truyền thống, tự thiết kế mẫu mã, đi mua nguyên liệu rồi giao cho chị em trong làng. Khó khăn mới lại đến khi trên mỗi một mẫu tranh thêu truyền thống đòi hỏi gần 20 màu chỉ, giao 10 sản phẩm cho chị em, thì đến 8 người trả lại bảo khó, sợ làm hỏng. Để mọi người nắm bắt kỹ thuật nhanh, Phượng chọn ra gần chục chị em có tay nghề khá để hướng dẫn kỹ thuật về thêu tranh truyền thống, sau đó họ tiếp tục truyền nghề cho các chị em khác.

Đến nay, cơ sở sản xuất khung tranh và tranh thêu truyền thống của Phượng có trên 60 chị em làm việc thường xuyên với thu nhập bình quân trên 1,2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có trên 130 chị em trong thôn làm việc thời vụ với thu nhập trung bình từ 35 nghìn đến 60 nghìn đồng/người/ngày. Để mở rộng quy mô đáp ứng những đơn hàng lớn, Phượng còn truyền nghề cho các chị em ở tỉnh Hòa Bình và một số xã trong huyện.

Đi lên từ thất bại

Năng động trong công tác Đoàn, nhạy bén trong kinh doanh, miệng luôn nở nụ cười tươi khi nói chuyện, đó là hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi gặp Trương Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHTN xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh - chủ Công ty nội thất Bến Trung, cung cấp sản phẩm nội thất văn phòng, trường học.

Năm 2004, nhận thấy nhu cầu thị trường nội thất khan hiếm và chưa đa dạng về chủng loại, Vinh đã nhanh chóng bắt tay khởi nghiệp, thành lập công ty gồm 30 công nhân với số vốn 1,8 tỷ đồng. Nhưng do công nhân nhỏ lẻ, tay nghề không cao, thêm phần vốn ít, thiếu kinh nghiệm kinh doanh, mẫu mã không phong phú, nên Vinh đã thua lỗ gần 500 triệu đồng. Quyết tâm làm lại từ đầu, khắc phục điểm yếu của mình, Vinh đã học thêm khóa đào tạo kinh doanh, học hỏi thêm kinh nghiệm của bạn rồi tiếp tục khôi phục công ty gỗ năm 2006.

Đến nay, công ty của Vinh đã phát triển mạnh, ngoài 2 đại lý lớn ở Hà Nội, còn có 13 đại lý ở các tỉnh, thành khác, doanh thu đạt 5,7 tỷ đồng/năm, số lượng lao động cũng tăng từ 30 người đến 87 người. Vinh cho biết, năm 2010, chiến lược phát triển của công ty là mở rộng sản xuất mặt hàng nội thất trường học và khách sạn. Tuy nhiên do nguồn vốn có hạn nên để mở rộng sản xuất, rất cần Thành đoàn Hà Nội và các ngành quan tâm cho vay vốn để "phủ sóng" đại lý trong cả nước. "Với vai trò là một cán bộ hội, tôi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cả những thành công và thất bại cho thanh niên địa phương, đồng thời khuyến khích các ý tưởng táo bạo trong kinh doanh của các bạn trẻ", Vinh chia sẻ.

Đam mê nghề thiết kế thời trang

Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế thời trang (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), Đỗ Trịnh Hoài Nam (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm) và một vài người bạn sáng lập HTX sản xuất, kinh doanh cây cảnh, cây ăn quả và thiết kế thời trang. "Lúc đầu tôi cũng chỉ tham gia theo phong trào cùng nhóm bạn, nhưng thấy mô hình phát triển, tạo cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên nên đã mở rộng quy mô", Nam kể vậy.

Hiện tại, HTX có quy mô đáng kể gồm CLB thể thao, xưởng may 1.000m, diện tích trồng cây lâu năm và chăm sóc cây cảnh, tạo việc làm cho 20 lao động mức lương khá. Nam cho biết, phát triển nghề thời trang là chiến lược kinh doanh lâu dài, nên HTX đang có nhu cầu tuyển thêm 150 lao động nghề may. Chiến lược kinh doanh của Nam là cần tạo các mối quan hệ, giao lưu rộng với các đối tượng, đặc biệt là thanh niên bằng quan điểm riêng: "Đoàn là nơi tập hợp thanh niên, nơi kết nối, mở rộng quan hệ và hỗ trợ lẫn nhau. Tổ chức đoàn là địa chỉ thuận lợi để kết nối".

Trao đổi về việc này, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Mục đích của Festival thanh niên nông thôn là dịp tôn vinh các tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu phát triển kinh tế ở địa phương; quảng bá các sản phẩm truyền thống, sản phẩm sáng tạo của thanh niên nông thôn. Qua đó, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích, động viên, bồi dưỡng và sử dụng tài năng, lao động trẻ, để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Khai mạc Festival thanh niên nông thôn Thủ đô lần thứ nhất - năm 2010

(HNM) - Tối 20-3, tại Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành đoàn Hà Nội tổ chức khai mạc Festival thanh niên nông thôn Thủ đô lần thứ nhất và ra mắt Câu lạc bộ Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi Thủ đô; khai trương chợ ẩm thực mang tên "Nét quê" và Hội chợ triển lãm Thanh niên nông thôn trên đường hội nhập. Hội chợ gồm 79 gian trưng bày, giới thiệu về hoạt động Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của các quận, huyện, cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản phẩm, thương hiệu của các doanh nghiệp và cá nhân thanh niên làm kinh tế giỏi.

Việt Tuấn
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên nông thôn thế hệ @

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.