(HNMO) - Chiều 23-5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu Quốc hội đã góp ý nhiều nội dung với kỳ vọng Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động.
doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động.
Doanh nghiệp mới thành lập cần được hỗ trợ để "sống sót" qua giai đoạn đầu
Góp ý với Điều 4 về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV), đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đề nghị không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để chọn, vì tiêu chí nguồn vốn chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối cùng của DN và không phản ánh thực chất việc phân loại DN. Ví dụ, có một số DN vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng nhưng tổng vốn huy động để sản xuất kinh doanh nhỏ hơn 100 tỷ đồng do vốn điều lệ không cấp đủ theo quy định mà DN phải vay thêm vốn ngân hàng để hoạt động. Như vậy, chỉ tiêu này luôn biến động theo nguồn vốn vay ngân hàng.
Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình). |
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo có quy định một trong hai tiêu chí xác định DN NVV là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng là chưa thực sự phù hợp.
"Thị trường liên quan và thị phần của các DN tham gia vào các thị trường là khác nhau. Rất nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, doanh thu trên 300 tỷ đồng vẫn có thể được coi là các DN NVV. Hơn nữa, với sự thay đổi và diễn biến khó lường của nền kinh tế hiện nay, việc quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong luật sẽ khiến Chính phủ gặp khó khăn, khi cần hỗ trợ các DN Việt Nam hoạt động trong các ngành Công nghiệp, dịch vụ hiện đang có quy mô nhỏ và vừa so với quốc tế. Đặc biệt là sự hỗ trợ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" - Đại biểu Lê Anh Tuấn lý giải.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang). |
Cùng về nội dung này, Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu ra một khía cạnh đáng quan tâm. Cụ thể, theo đại biểu Lâm, để xác định tiêu chí DN NVV, nếu căn cứ vào số liệu lao động, vốn, doanh thu thì sẽ làm "khó" cho các DN mới thành lập trong khi họ mới là đối tượng cần thiết được hỗ trợ, được hưởng các chính sách ưu đãi để "sống sót" qua giai đoạn đầu. Do đó, Dự thảo cần tiếp tục hoàn chỉnh để làm sao DN NVV mới thành lập dễ dàng hơn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Bổ sung quy định bảo vệ doanh nghiệp bởi thanh tra chồng chéo
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu, tại kỳ họp thứ hai, khi góp ý về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu cũng đã đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra quan tâm, nghiên cứu, bổ sung quy định về biện pháp bảo vệ DN NVV khỏi những hậu quả bất lợi do tình trạng tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo.
"Từ thực hiễn hoạt động của chính mình cũng như những gửi gắm, kỳ vọng của cộng đồng DN tỉnh Hà Nam, tôi đã kiến nghị về sự cần thiết luật hóa một số giải pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ như quy định về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không quá một lần trên năm; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). |
Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo luật trình tại kỳ họp này, tôi hoàn toàn không thấy nội dung nào phân tích giải trình lý do tại sao không thể luật hóa vấn đề này. Trong khi đây thực sự là một nội dung, chính sách vô cùng quan trọng về hỗ trợ, kiến tạo môi trường phát triển lành mạnh cho DN NVV" - Đại biểu Trần Thị Hiền cho biết.
Đại biểu Hiền nêu thêm, ngày 17-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN và ngay trong ngày, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN đã phần nào giải tỏa những bức xúc của cộng đồng DN, thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng của DN cũng như sự cần thiết phải luật hóa vấn đề này. Đây là phản ứng chính sách cho thấy từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN cho đến nay, sự chồng chéo, lạm phát hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn như cái "vòng kim cô", kiềm tỏa sự phát triển của DN, nhất là với những DN NVV; làm méo mó quan hệ giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước.
Trên cơ sở đó, đại biểu Hiền cho rằng việc xem xét thông qua dự án Luật Hỗ trợ DN NVV là cơ hội quan trọng để Quốc hội thể hiện sự đồng hành cùng Chính phủ trong hỗ trợ DN bằng việc luật hóa vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Cuối phiên thảo luận, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ nhất ý kiến các đại biểu đã góp ý. Tuy nhiên, có một số ý kiến, trong quá trình soạn thảo đã có nghiên cứu nhưng trong thực tế thì rất khó đưa vào luật hóa; hoặc có những vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội |
"Đây là lần đầu tiên chúng ta ban hành một luật để hỗ trợ cho DN NVV, trong khi trên thế giới nhiều nước ban hành luật này từ rất lâu, như Nhật Bản ban hành từ năm 1963, Hàn Quốc từ 1965, với chúng ta đến nay là quá chậm. Cách tiếp cận của chúng ta hiện nay xác định nhu cầu mà các DN NVV cần để thiết kế các nội dung hỗ trợ chứ không phải mình có gì cho DN thì mình cấp hay mình ban hành để hỗ trợ DN. Chúng tôi đã khảo sát tất cả nhu cầu của DN, các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế hiện nay tại sao các DN của nước ta không lớn lên được, tại sao không thành lập được, thành lập lên rồi tại sao hoạt động khó khăn... Tất cả nhu cầu ấy đều đã được tổng hợp và khái quát hóa thành những nội dung và chúng tôi đã đưa vào thành 7 nội dung hỗ trợ chung và 3 nội dung hỗ trợ có mục tiêu vì tinh thần lần này là xác định từ nhu cầu của DN" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, việc soạn thảo dự Luật lần này đã chuyển hóa theo tinh thần xây dựng một nhà nước kiến tạo, tức là đã chuyển DN là đối tượng quản lý thành một đối tượng phục vụ, đồng hành cùng phát triển trong xã hội, đấy là tinh thần mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.