Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh khoản chứng khoán cạn kiệt

Thanh Hương| 10/07/2013 13:18

(HNMO) - Bên mua chưa muốn tham gia thị trường trong khi bên bán không dứt điểm khiến thanh khoản rất thấp.

Ảnh minh họa


Tính chung toàn phiên sáng 10-7 trên sàn TP HCM chỉ có 18,460 triệu chứng khoán được giao dịch thành công, tương ứng giá trị 348,486 tỷ đồng.

Đạt thanh khoản cao nhất là PVT cũng chỉ có hơn 2 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, là mã duy nhất đạt mức trên 2 triệu. Tiếp đến là HQC (1,18 triệu cổ phiếu), số còn lại đều chỉ đạt dưới 1 triệu cổ phiếu.

Một trong những nguyên nhân khiến giao dịch giao dịch trên thị trường ảm đạm như vậy bởi khối ngoại ít tham gia. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn khá thận trọng và chưa sẵn sàng tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.

Tại đợt khớp lệnh đầu tiên, VN-Index tăng 2,31 điểm, tương đương 0,48%, đạt 487,8 điểm nhờ sức cầu khá; VN-Index lên 543,52 điểm, ghi 1,99 điểm (+0,37%).

Sang đợt khớp lệnh liên tục, tình hình thay đổi khi mà lệnh bán ra lại nhiều hơn, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu blue-chips. Vì thế, đến giờ nghỉ trưa VN30-Index hạ 0,27 điểm, xuống 541,26 điểm trong khi VN-Index tăng chậm hơn, chỉ ghi 0,98 điểm, lên 486,48 điểm.

Tại nhóm cổ phiếu lớn, GAS và VNM là 2 mã tăng mạnh nhất, cùng ghi 1.000 đồng/cổ phiếu, HAG tăng 200 đồng/cổ phiếu, DIG, DXG, REE, KBC, SAM, REE, SSI đồng loạt nhích 100 đồng/cổ phiếu.

Nhiều người kỳ vọng Công ty quản lý tài sản ra đời sẽ sớm xử lý được nợ xấu. Tuy nhiên, đây không phải là “cây đũa thần”. Để xử lý nợ xấu cần có thời gian. Chính vì vậy, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng không có phản ứng tích cực khi công ty này chính thức đi vào hoạt động từ hôm qua. Phiên sáng nay, trong 5 mã ngành này, CTG và STB hạ lần lượt 100 đồng và 200 đồng/cổ phiếu. MBB, EIB và VCB giữ giá tham chiếu.

Số cổ phiếu trên toàn thị trường tăng-giảm giá chênh lệch không nhiều. Tổng cộng có 75 mã lên giá trong khi có 84 mã giảm giá, còn lại là đứng giá.

Như vậy, gần đây, thanh khoản của thị trường rất kém. Theo FPTS, nếu như diễn biến lình xình này vẫn không có sự thay đổi tích cực hơn thì nhiều khả năng diễn biến xấu có thể sẽ quay trở lại do nhà đầu tư ngắn hạn có thể sẽ mất kiên nhẫn và tăng cường bán ra đóng trạng thái để chờ cơ hội khác.

Bên cạnh đó, những thông tin mới xuất hiện cũng chưa cho thấy sự lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong quý 3-2013, mặc dù một số công ty niêm yết đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy khả năng hoàn thành kế hoạch năm nhưng kết quả này đa số dựa trên kế hoạch kinh doanh thận trọng so với năm trước nên cũng không quá lạc quan trong bối cảnh hiện tại.

Trên sàn Hà Nội, với cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo (74 mã giảm giá, 37 mã tăng giá), HNX-Index hạ 0,22 điểm, xuống 62,36 điểm; HNX30-Index về 116,66 điểm, hạ 0,22 điểm. Toàn thị trường có 11,411 triệu cổ phiếu và 82,142 tỷ đồng được giao dịch thành công.

Đến phiên buổi chiều, VN-Index không thể cầm cự khi mà nhà đầu tư cung ra nhiều hơn. Do đó, cả ở đợt khớp lệnh liên tục và khớp lệnh đóng cửa, chỉ số chung đều đi xuống. Hết phiên, VN-Index giảm 1,07 điểm, tương ứng 0,22%, xuống 484,43 điểm; VN30-Index còn 538,97 điểm sau khi mất 2,56 điểm.

Giao dịch đỡ ảm đạm hơn phiên sáng, giúp tổng lượng chứng khoán chuyển nhượng toàn phiên đạt 32,641 triệu đơn vị, giá trị là 828,602 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức giao dịch trên vẫn là quá thấp.

Do lực bán ra nhiều hơn nên số cổ phiếu tăng-giảm giá nới rộng hơn. Thị trường hgi nhận 82 mã tăng trong khi có đến 106 mã giảm.

Giảm điểm tiếp tục là xu hướng chính trên sàn Hà Nội. Đóng cửa thị trường, HNX-Index lùi 0,15 điểm, về mức 62,43 điểm; HNX30-Index hạ 0,47 điểm, còn 116,41 điểm.

Phiên buổi chiều có thêm hơn 10 triệu cổ phiếu được sang tay đưa tổng lượng giao dịch hôm nay đạt 21,868 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị chuyển nhượng là 157,524 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh khoản chứng khoán cạn kiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.