Luận đàm thời sự

Thành công là không thất bại

Đại sứ Trần Đức Mậu 11/09/2023 - 22:28

Trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế, có cách hiểu biết thông thường là cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới không thể được coi là thành công nếu không thông qua được tuyên bố chung, đặc biệt khi những lần cấp cao trước đấy đều đã kết thúc với tuyên bố chung.

Lấy thông lệ này làm tiêu chí đánh giá thì cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của Nhóm G20 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã thành công. Việc nhóm này hiện bất đồng quan điểm và phân rẽ nội bộ sâu sắc đã trở thành "bí mật công khai" nên việc thông qua được tuyên bố chung này trên thực tế đã giải cứu cả nước chủ nhà là Ấn Độ lẫn cả Nhóm G20.

Hội nghị thành công nhưng bản tuyên bố chung với nội dung và cách hành văn mà ai hiểu cũng như luận giải thế nào cũng được thì không thể là điềm tốt lành cho tương lai của nhóm này. Tuyên bố chung kia cho thấy Ấn Độ đã thành công vì sự kiện diễn ra suôn sẻ và Nhóm G7 có nhúc nhích chứ không hẳn bị trì trệ. Ukraine bị thua thiệt nhiều nhất vì tuyên bố chung năm nay không có lợi cho Ukraine như năm trước. Các phe cánh trong nội bộ Nhóm G20 đều vừa được thêm, vừa mất đi chút ít.

Tại New Delhi, Nhóm G20 đưa ra quyết định tạo dấu mốc rất quan trọng đối với tương lai của nhóm là kết nạp Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên thứ 21. AU là tổ chức đại diện cho 55 quốc gia châu Phi - châu lục hiện ngày càng thêm sáng giá về chính trị thế giới. Các quốc gia châu Phi được coi thuộc về khối các nước "Phương Nam" trong khuôn khổ "Hợp tác Bắc - Nam".

Vì thế, tương quan lực lượng và cục diện quyền lực trong khuôn khổ diễn đàn G20 sẽ biến động theo hướng vai trò, vị thế và ảnh hưởng của "Khối Phương Nam" sẽ gia tăng và nhóm này một khi đã mở cửa cho AU thì không thể đóng cửa chặn nhiều quốc gia khác trên thế giới tham gia trong tương lai. Nigeria đã tuyên bố Nhóm G20 "không hoàn chỉnh" khi không có sự tham gia của Nigeria.

Việc cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tới New Delhi tham dự sự kiện đã báo hiệu ngay từ đầu là kết quả của hội nghị này về cơ bản không thể vượt quá được kết quả của hội nghị cấp cao năm ngoái ở Bali (Indonesia), thậm chí còn có cả nguy cơ không bằng, trong mọi nội dung trên chương trình nghị sự.

Đương nhiên, việc AU được kết nạp vào nhóm không gặp trở ngại gì vì Nga và Trung Quốc rất ủng hộ. Nga và Trung Quốc là hai thành viên quan trọng trong Nhóm G20 nên tiến trình và hoạt động của Nhóm G20 thành công hay không thành công đều phụ thuộc ở mức độ không hề nhỏ vào sự đóng góp và hợp tác của hai thành viên này. Qua đó, có thể thấy ảnh hưởng và vai trò của phe các nước thuộc khối Phương Tây trong Nhóm G20 bắt đầu có biểu hiện suy giảm.

Nhìn vào diễn biến và kết quả của hội nghị cấp cao năm nay của Nhóm G20 có thể thấy G20 vẫn là khuôn khổ diễn đàn đa phương lớn trên thế giới, vẫn được các thành viên coi trọng và tận dụng, nhưng danh nghĩa nặng mà thực chất nhẹ. Nó hiện bị đắm chìm trong những chuyện bất đồng nội bộ nên không thể tập trung được vào việc cùng nhau tìm kiếm ý tưởng giải pháp cho những vấn đề mà thế giới hiện phải trực diện về chính trị thế giới, về an ninh và tài chính, về kinh tế và thương mại... Nó đang gặp nguy cơ đi vào lối mòn của Nhóm G7 là cuộc gặp cấp cao hằng năm được tổ chức làm sự kiện thế giới lớn với tuyên bố đồ sộ và ngôn từ to tát, nhưng nhanh chóng bị quên lãng sau đó để rồi năm sau, sự kiện lớn đến hẹn lại lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành công là không thất bại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.