(HNMCT) - Thành cổ Vinh, hay còn gọi là thành Nghệ An, là một trong không nhiều thành trì thời phong kiến còn lại dấu tích ở Việt Nam. Theo sách Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược (Quốc sử quán triều Nguyễn), thành Nghệ An thuộc địa phận hai xã Yên Trường và Vĩnh Yên (tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc). Ngày nay, khu thành cổ thuộc địa bàn ba phường: Quang Trung, Cửa Nam và Đội Cung, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An).
Thành cổ Vinh được vua Gia Long nhà Nguyễn cho khởi dựng vào năm 1804 với mục tiêu xây dựng một lỵ sở của Nghệ An. Ban đầu thành được đắp bằng đất. Đến năm 1831, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch và đá ong với quy mô lớn hơn và kiên cố hơn. Như nhiều thành lũy cùng thời, thành Vinh được xây dựng kiểu Vauban - kiểu thành lũy phòng thủ kiên cố của phương Tây phổ biến trong các thế kỷ XVII, XVIII, nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống Á Đông.
Vị trí và hướng xây dựng thành dựa trên thuyết phong thủy phương Đông, kết hợp với các yếu tố thiên nhiên để tạo nên một bố cục hài hòa. Thành có cấu trúc hình lục giác với chu vi 2.520m, tường thành cao 4,08m. Trên mặt tường thành có bố trí các công trình quân sự để phòng thủ chiến đấu. Bên ngoài thành có hào nước sâu 3,2m. Thành có 3 cửa: Cửa Tiền (phía Nam), cửa Tả (phía Đông), cửa Hữu (phía Tây) và không có cửa hậu. Trong thành có các công trình hành chính và quân sự như: Dinh các quan lại cấp tỉnh, trại lính, ngục thất, kho tàng, cột cờ... Toàn bộ thành được trang bị 65 khẩu thần công.
Thành Vinh được nhà Nguyễn xây dựng với mục tiêu tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự và văn hóa của Nghệ An. Song vì những biến thiên thời cuộc mà mục tiêu ấy không thành hiện thực. Thành Vinh trở thành mục tiêu tấn công quân sự của nhiều lực lượng, là chứng tích của một thời kỳ bi thương của nhân dân Nghệ An. Thành Vinh thất thủ năm 1885 và rơi vào tay quân Pháp. Sau đó, thành Vinh là một trong những địa điểm cao trào của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (tháng 5-1930). Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nghệ An, quân và dân Nghệ An đã tiến công vào thành cổ Vinh giành chính quyền.
Thành cổ Vinh cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An nhân dịp Người về thăm quê vào các năm 1957, 1961. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thành cổ Vinh bị bom đạn phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại vài đoạn tường và 3 cổng thành. Năm 1998, thành Vinh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.