Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành cổ Quảng Trị - khúc tráng ca bất tử

Bài và ảnh: Hà Thành| 25/07/2020 11:56

(HNMCT) - Trong những thành cổ qua các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Thành cổ Quảng Trị được nhắc đến nhiều nhất dù không phải là một kiến trúc đặc biệt. Nơi đây đã ghi dấu một trận chiến bi hùng của quân và dân ta, trở thành khúc tráng ca bất tử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Ký ức “mùa hè đỏ lửa”

Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Từ năm 1809 đến năm 1945, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn bảo vệ kinh đô Phú Xuân từ phía bắc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc tại vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là tuyến lửa của cuộc trường chinh vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...

Đầu năm 1972, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu. Đến tháng 5-1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị.

Giữa tháng 6-1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có. 

Trong 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9-1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 đạn pháo. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Để giữ trận địa, Quân giải phóng đã liên tục bổ sung quân số. Và dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong lúc vượt sông vào Thành cổ.

Ngày 16-9-1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch. Trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị liên tục được nhắc đến trong bản tin thời sự của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Paris với các điều khoản có lợi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Kết quả của chiến dịch đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực mới cho quân ta, góp phần quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một địa chỉ tâm linh

Sau ngày đất nước thống nhất, Thành cổ Quảng Trị trở thành di tích đặc biệt, ghi dấu một trận chiến lịch sử và là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ. Toàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai “nghĩa trang không bia mộ” là Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn.

Năm 1994, Thành cổ Quảng Trị được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, từ năm 1992, di tích đã được tỉnh Quảng Trị tiến hành tu bổ, tôn tạo. Tiền môn và một số đoạn tường thành, hào nước được phục dựng và tu sửa. Chính giữa thành là đài tưởng niệm có kiến trúc mô phỏng nấm mộ lớn nổi trên mặt đất, ở dưới là 4 cửa vòm giao nhau, tạo khoảng rỗng ở giữa, thể hiện sự đau thương mất mát. Khoảng rỗng này là nơi đặt những vật dụng đơn sơ của các chiến sĩ Giải phóng: Khẩu súng AK, ba lô, mũ tai bèo, bi đông nước, đôi dép cao su... Bên cạnh là công trình Bảo tàng Thành cổ, tháp chuông tưởng niệm, bến thả hoa bên sông Thạch Hãn, tất cả tạo thành một quần thể kiến trúc tâm linh, không gian thiêng liêng vang vọng khúc tráng ca bất tử.

Cứ tới tháng 7 hằng năm, người dân, du khách cùng các cơ quan, đoàn thể của cả nước và tỉnh Quảng Trị lại thả hoa trên dòng Thạch Hãn để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Cựu chiến binh Thành cổ - nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương cho biết, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm ông thường trở lại chiến trường xưa để thăm viếng những đồng đội đã ngã xuống.

Bà Nguyễn Thị Hà, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Tới Thành cổ Quảng Trị, nghe những câu chuyện về cuộc chiến 81 ngày đêm và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa, tôi không cầm được nước mắt. Tôi cầu mong đất nước mình mãi hòa bình, không bao giờ còn phải gánh chịu những đau thương như thế nữa”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành cổ Quảng Trị - khúc tráng ca bất tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.