(HNM) - Từ ngày 5-6 tới, "Quân sư tình yêu" - chương trình giáo dục về giới, tình dục và sức khỏe tình dục, do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phối hợp với O2TV thực hiện, sẽ lên sóng truyền hình với thời lượng 15 phút vào 22 giờ thứ 7 hằng tuần.
Lần đầu tiên, vấn đề "dễ đùa, khó nói" được đưa ra một cách chính thức mà theo nhà tổ chức thì chương trình sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản cho khán giả, hướng dẫn họ tìm kiếm thông tin, xây dựng kỹ năng sống để hướng đến một đời sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Là người dẫn chương trình, NSƯT Đức Hải đã chia sẻ về "Quân sư tình yêu".
- Một chương trình về “chuyện khó nói” mà dẫn hài hước liệu có phù hợp không, thưa anh?
- Vấn đề tình dục, giáo dục tình dục ở Việt Nam vẫn được coi là chuyện “dễ đùa, khó nói”, tức là đưa ra nói đùa thì rất “xôm” nhưng đề cập một cách nghiêm túc thì mọi người khá ngại ngần. Chương trình này nhắm đến nhiều đối tượng khán giả và dẫn dí dỏm, hài hước sẽ dễ tiếp cận họ hơn. Kịch bản được xây dựng trên cơ sở giáo trình của các chuyên gia trong và ngoài nước. Sau đó, các đối tác như người dẫn chương trình, chuyên gia tâm lý, xã hội sẽ biến hóa, sáng tạo bằng ngôn ngữ của mình và cả khi đi thực tế. Đồng hành cùng tôi còn có 2 nhân vật rối dễ thương, vui nhộn.
- Xem chương trình chạy thử, thấy cách dùng từ ngữ của anh có vẻ vẫn né tránh nhiều. Đức Hải dẫn không “đã” bằng những chương trình khác thì phải?
- Phải từ từ để cho khán giả đỡ “sốc” chứ! Nói thế, dẫn “Quân sư tình yêu” là phải thật dũng cảm. Nhiều đêm, Đức Hải trằn trọc, nghĩ và tìm từ ngữ phù hợp để đi thẳng vào vấn đề mà không bị phô, không bị coi là đi ngược với văn hóa Á Đông. Khó lắm! Chương trình đầu tiên chúng tôi muốn đề cập vấn đề này nhẹ nhàng, chủ yếu giới thiệu về nội dung, mục đích của “Quân sư tình yêu” để khán giả làm quen. Về sau, liều lượng được điều chỉnh tăng dần lên. Rồi các bạn sẽ thấy Đức Hải “bạo” như thế nào. Chúng tôi cũng rất mong có sự tương tác, góp ý của khán giả về tên, ngôn ngữ và các vấn đề liên quan đến chương trình sau mỗi số lên sóng, để điều chỉnh.
- Thừa kinh nghiệm bởi là ông bố của 4 “nhóc tì” với trường hợp sinh 3 nổi tiếng, nhưng anh có phải bổ sung kiến thức về vấn đề này để việc dẫn chương trình tạo được sự hấp dẫn hơn không?
- Trước đây, tôi có tham gia một chương trình tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Chương trình có sự phối hợp của các tổ chức quốc tế và được thực hiện tại các trường đại học. Thời gian làm việc không lâu nhưng đủ cho tôi có được kiến thức nền vững và có những tài liệu “cực độc”, một thứ “cẩm nang” cho tôi sử dụng trong chương trình.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.