(HNM) - Đất đế đô, Thăng Long - Hà Nội ngàn đời lắng hồn sông núi, hội tụ, kết tinh lớp lớp văn hóa sâu dày, làm nên những giá trị riêng có: Khí phách, trí tuệ, tâm hồn và đặc biệt là một nền văn hiến được định danh Thăng Long - Hà Nội. Những di sản tiền nhân để lại suốt chiều dài lịch sử hơn một nghìn năm trở thành nguồn lực, động lực cho Hà Nội vững bước trong thời đại tri thức và sáng tạo, để Kinh đô - Thủ đô mãi mãi là biểu tượng rạng rỡ của đất nước Việt Nam...!
Sứ mệnh Kinh thành - khát vọng Thăng Long
Với trí tuệ mẫn tiệp, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã chọn mảnh đất “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi” cho một cuộc thiên đô lịch sử, mở ra thời kỳ mới cho con dân nước Việt. Tương truyền, khi thuyền ngự vào sông gần nơi được xem là “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” thì rồng vàng cuộn sóng bay vút lên trời, nhà vua đặt tên cho thành là Thăng Long. Thăng Long mang sứ mệnh Kinh kỳ từ đó. Và sứ mệnh Thăng Long đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử hơn một nghìn năm.
Kinh sư - Thủ đô của mỗi vương triều, mỗi quốc gia đều là mục tiêu tấn công của những kẻ xâm lược. Và mỗi khi đất nước nguy nan, tinh thần Thăng Long lại ngời sáng cùng những trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Đó là Đông Bộ Đầu năm 1258, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, Hà Nội mùa đông năm 1946... và đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ 12 ngày đêm năm 1972. Trong đau thương, uất hận, Hà Nội đã thể hiện một bản lĩnh phi thường, một sự điềm tĩnh đến kinh ngạc - như một nhà báo nước ngoài đã viết: “Ở đây chỉ thấy quyết tâm và hy sinh, chỉ thấy một thái độ nghiêm trang”… Và, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã hóa thân vào “rồng lửa Thăng Long” quật đổ pháo đài bay Mỹ. Hà Nội trở thành biểu tượng của lương tri nhân loại, của phẩm giá con người.
Lịch sử ghi tạc một Thăng Long - Hà Nội - “bách chiến thành”, lịch sử cũng ghi nhận, kể từ ngày Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” làm nơi định đô, mọi kẻ thù xâm lược, từ những đế chế hùng mạnh từng chinh phục châu Âu trên lưng ngựa đến những siêu cường viễn chinh khắp thế giới đều thất bại thảm hại, nếu xâm lăng nước Việt. Và lịch sử cũng cho thấy, những vương triều phong kiến không lấy Thăng Long làm Kinh đô mà xây nền thịnh trị, đều có khí số ngắn ngủi hoặc liên tục can qua (nhà Hồ, nhà Nguyễn…). Sứ mệnh Kinh kỳ là như vậy, chỉ có “địa linh” mới định được đế đô, chỉ nơi “khí vượng mà thanh quý” mới thu hút được hiền tài bốn phương, mới lắng đọng được tinh hoa để xây nền văn hiến.
Mang vận mệnh Kinh thành của một quốc gia luôn phải đối mặt với binh đao, lửa đạn, Thăng Long - Hà Nội luôn ôm trọn khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến ngàn đời.
Kinh đô văn hiến, nơi hội tụ hiền tài
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”. Thời nào cũng vậy! Vì thế, các vương triều Đại Việt luôn lấy sự học làm trọng, coi chuyện kén chọn kẻ sĩ, trọng dụng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc hàng đầu.
Đạo học khởi nguồn cho sức mạnh kiến tạo, chấn hưng đất nước, xây dựng sức mạnh tự cường dân tộc. Do vậy, Kinh sư trước hết phải là “cái nôi” của sự học, là đất dụng nhân tài. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu thờ các bậc tiên thánh của đạo Nho, mở ra thời khoa bảng, “dụng văn”. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu làm nơi học tập cho hoàng tử, con cái hoàng thân, quốc thích, các đại thần trong triều. Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện thu nhận cả thường dân áo vải vào học tập…
“Học thức là cái gốc của tâm hồn”, “mong muốn trở thành người hiền là chuẩn đích của sự học”, không chỉ hoàng thân, quốc thích, các bậc trọng thần chiêu hiền đãi sĩ, thu nạp môn đồ, giới thức giả cũng lấy nghề dạy học làm quý mà mở trường thu nạp sĩ tử muôn phương. Học trò đổ về kinh kỳ, “mài bút”, rèn tài tìm kiếm cơ hội thi thố tài năng, phụng sự đất nước ngày một nhiều hơn. Thăng Long như một trường học lớn, trí tuệ và tri thức thấm vào mỗi con người nơi đây.
Được nuôi dưỡng trong lớp lang văn hóa sâu dày, những con người Thăng Long như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm... đã ghi danh vào lịch sử với những võ công oai hùng, những áng thơ trác tuyệt. Người tứ xứ tiếp thu văn hóa Thăng Long, mở mang trí tuệ, từ đó mà thành danh như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Kiệt… Kể cả khi triều đình nhà Nguyễn hạ biển Thái Học Môn, cánh sĩ phu Bắc Hà bị quăng quật trong chốn quan trường thì Thăng Long - Hà Nội vẫn là “thỏi nam châm” thu hút nhân tài. Các bậc danh Nho như: Phạm Quý Thích, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu… vẫn mở trường dạy học; những Cao Bá Quát… vẫn ngạo nghễ cùng dòng thơ chất ngất nỗi niềm.
Tháp bút “tả thanh thiên” - viết lên trời xanh! Có lẽ chỉ ở đất văn hiến ngàn đời mới có cái sĩ khí ngất trời như vậy. Đất đế đô muôn đời luôn biết dung nạp hiền tài. Để rồi trí tuệ, tri thức trong người dân nơi đây đúc thành cốt cách, văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Nói cách khác, đất và người Kinh kỳ đã tạo nên những giá trị trường tồn của một nền văn hiến mang tên Thăng Long - Hà Nội.
Thành phố của di sản
Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn dựng Kinh thành Thăng Long “để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, người đông”, “đất lành chim đậu”, người tứ xứ đổ về, trước thì buôn bán, sau đem theo nghề của cha ông ra Kinh đô dựng nghiệp, toan tính lâu dài. Người làng “bưng” cả không gian quê với cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tín ngưỡng tâm linh ra phố. “Ba mươi sáu phố phường” hình thành từ đó, cùng những cái tên “hàng” gắn với từng loại sản phẩm của phường thợ: Hàng Chỉ, Hàng Lược, Hàng Thiếc, Hàng Giấy… Giữa phố thị tấp nập bán mua là những khoảng lặng êm đềm dưới mái chùa thờ Phật, mái đình thờ tổ nghề... ẩn chứa những câu chuyện huyền bí. Một không gian chẳng đâu có được.
Từ những phường nghề, một lớp thị dân hình thành, thẩm thấu nền văn hóa Thăng Long, qua năm tháng, tạo nên cái chất riêng có “người thanh, tiếng nói cũng thanh”, để rồi người ta nói: “Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền/Mượn người lịch sự gánh lên Kinh kỳ”. Nếp sống Nho gia ẩn sau những nếp nhà với lối sống chừng mực, nền nã, bao dung, đề cao tri thức, không chịu luồn cúi, đặc biệt là gu thưởng thức giàu thẩm mỹ và tinh tế được đóng khung trong một chữ “sành”.
Cái sự sành ăn và cả sành chơi đã tạo cho người Hà Nội một phong cách không lẫn vào đâu. Cũng vì cái sự sành rất Hà Nội ấy mà trên các phố có nhiều món quà vặt, món ăn vỉa hè đơn giản như phở bò, bún thang, nhưng chứa đựng cả một nghệ thuật chế biến cũng như triết lý ẩm thực. Vì thế, ẩm thực cũng là một di sản văn hóa của phố và người Hà Nội.
Bên cạnh khu phố cổ - phố “hàng” với những phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà chồng diêm, hình ống, tường liền ẩn chứa một lối sống hào hoa, thanh lịch Thăng Long - Hà Nội, là không gian phố cũ - phố Pháp với những ngôi biệt thự và nhiều vườn hoa nhỏ nép dưới bóng, dưới hàng sấu già, hay cơm nguội, xà cừ… Trên những con phố này, người ta có thể tìm thấy đủ loại phong cách kiến trúc có gốc châu Âu, từ Gothic trung cổ đến Art Deco, tân cổ điển... Tất cả đều được sắp đặt khéo léo trong một không gian hài hòa cùng thiên nhiên như cách nói của giới nghiên cứu: Đa dạng về hình thái kiến trúc, nhưng thống nhất trong cấu trúc không gian đô thị. Phố cũ là những chứng nhân lịch sử cho sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp và là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống di sản đô thị của Hà Nội.
Di sản văn hóa, di sản đô thị được hình thành cùng chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Không thể kể hết những tinh hoa văn hóa của Thăng Long, của xứ Đoài, của Sơn Nam Thượng đã góp vào Hà Nội hôm nay. Bên cạnh những di sản thiên nhiên, các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu nền văn hiến ngàn đời cùng cốt cách, khí phách, tri thức, tâm hồn, văn hóa người Thăng Long - Hà Nội và khối lượng di sản văn hóa, di sản đô thị không nơi nào có được. Khối di sản khổng lồ ấy không chỉ là “của để dành” mà còn trở thành nguồn lực, động lực để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần mới cho người Hà Nội trong kỷ nguyên tri thức và sáng tạo.
***
Hà Nội hôm nay đã chính thức ghi danh vào Mạng lưới 246 Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế. Và điều đáng nói hơn, đất “văn hiến ngàn đời” đang đón nhận một mô hình phát triển kinh tế và đô thị mới được thúc đẩy bởi thiết kế sáng tạo. Rất nhiều công việc đang ở phía trước đòi hỏi mỗi người sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn trong tình yêu Hà Nội để biến di sản của tiền nhân thành nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển, để Kinh đô - Thủ đô mãi mãi là biểu tượng của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.