Từ thế kỷ 17, sau cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tuồng theo dòng người đi vào phía Nam, Chèo vẫn tồn tại ở đàng ngoài. Thời kỳ này, chế độ phong kiến suy vong, đói kém liên miên, nhân tâm ly tán. Tuy thế, Chèo vẫn tồn tại như một nghệ thuật dân gian nơi thôn dã... Mãi cho đến thế kỷ 20, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, Chèo mới vào diễn ở một số rạp ở Hà Nội.
Nghệ thuật chèo, môn nghệ thuật dân gian Việt Nam
Chèo qua các thế kỷ vẫn tồn tại và phát triển như một sản phẩm văn hoá trên sân khấu kinh đô. Như Phạm Đình Hổ kể lại trong "Vũ trung tuỳ bút", thì dân chúng, kể các các "nha lương đệ tử” cũng đua nhau đi học hát chèo, học diễn chèo.
Do điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta, phụ thuộc vào mùa vụ, cấy hái, thu hoạch của nông thôn, nên các gánh hát không trụ lại ở các rạp hát mà lưu diễn ở các vùng miền, đi tới đâu dựng rạp diễn ngoài trời ở đó. Hoạt động có tính truyền thống này có từ thời Lý- Trần và phương thức "phường gánh" này còn tồn tại cho đến ngày nay.
Theo cố giáo sư Đình Gia Khánh, nhằm đáp ứng được yêu cầu của đông đảo công chúng có thị hiếu đa dạng, có trình độ thưởng thức cao, đã nở rộ nghệ thuật chuyên nghiệp hoá. Nhiều phường chèo được thành lập, hoạt động không những trong các ngày lễ hội mà còn biểu diễn trong các ngày thường. Hoạt động này thường diễn ra ở các nơi công cộng hoặc "xim đám” (như biểu diễn có hợp đồng ngày nay) do các gia đình giàu có mời diễn vào những dịp hiếu-hỉ, khao-vọng, giỗ-Tết... Như vậy, từ nửa sau thế kỷ 18, Chèo đã rất phổ cập ở thăng Long với tính chuyên nghiệp.
Khác với Tuồng phát triển trở thành nghệ thuật bác học của cung đình nhà Nguyễn, Chèo đi theo quy luật phát triển của nghệ thuật dân gian. Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh viết: Một hiện tượng văn hoá dân gian, lúc đầu có thể sinh ra ở một vùng nào đó, về sau lưu hành sang các vùng khác. Khi thâm nhập một vùng khác, hiện tượng ấy lại có thể được địa phương hoá, tức là nhuộm được sắc thái văn hoá của vùng ấy.
Các hiện tượng văn hoá dân gian nào được phổ cập toàn quốc, trong một thời kỳ lịch sử lâu dài, thì lại thể hiện được tính cách chung của dân tộc, tức là được dân tộc hoá. Nghệ thuật Chèo đã phát triển theo cách thức đó. Từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, phong trào Chèo, từ Thăng Long lan rộng ra bốn trấn xung quanh, hình thành "tứ chiếng" chèo: Chiếng Đông, chiếng Đoài, chiếng Kinh Bắc, chiếng Sơn Nam. Mỗi chiếng có một vẻ đặc sắc riêng, dần dần lan vào phía trong, đến tận Hà Tĩnh.
Từ một hiện tượng văn hoá dân gian, Chèo đã trở thành một hình thức sân khấu dân tộc. Từ những trò nhại mang tính sinh hoạt vụn vặt, Chèo đã vươn lên thành những tích trò có ý nghĩa đạo lý và xã hội sâu sắc, ví như các vở Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Kim Nham, Từ Thức, Lưu Bình Dương Lễ... Những tác phẩm này đã trở thành các vở diễn kinh điển của sân khấu Chèo ngày càng phát triển do các thế hệ nghệ sĩ bảo tồn và biểu diễn với sắc thái mới, đậm đà bản sắc, có sức thu hút đông đảo công chúng thuộc các lứa tuổi khác nhau. Nghệ thuật Chèo, từ Thăng Long thuở ấy, đã trở thành một sản phẩm văn hoá đặc sắc của Việt
Vũ Hà
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.