Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng hành động quốc gia về dân số: Lợi ích dài lâu

Vân Nga| 08/01/2011 08:32

(HNM) - Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng hiện tại và tương lai công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thử thách cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư.

Tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Nguyệt Ánh


Do vậy, lần đầu tiên Chính phủ đã lấy tháng 12 năm 2010 là Tháng hành động quốc gia về dân số, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, các cấp, từng gia đình và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ.

Cả xã hội cùng hành động
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có sáng kiến biến mục tiêu "Kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - Trách nhiệm của chúng ta" của Tháng hành động thành hiện thực. Trước tiên là hội thảo chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức tại Lào Cai. Đây là đối tượng có trình độ dân trí thấp, lại ít có cơ hội tiếp cận với truyền thông nên là nhóm được ưu tiên tuyên truyền nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ. Tiếp đó, ngày 4-12, Tổng cục Dân số phối hợp với TƯ Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức thi tìm hiểu "Dân số, sức khỏe sinh sản - Hành trang, trách nhiệm của giới trẻ" cho SV 5 trường CĐ khu vực miền Bắc và miền Trung giúp mỗi SV nhận thức trách nhiệm để dân số Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững. Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số diễn ra trên địa bàn Thủ đô thu hút sự tham gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó là các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ được triển khai tới các cụm dân cư…

Tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng Tháng hành động đã thu hút hàng vạn lượt người, nhất là người trong độ tuổi sinh đẻ tham gia vào các hoạt động chăm sóc, tư vấn SKSS. TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhận xét: Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, các cấp, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình và đối với sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam.

"Giảm nhiệt" tình trạng mất cân bằng giới tính
Đúng như chủ đề của Tháng hành động, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ từng bước "hạ nhiệt" khi cả xã hội cùng vào cuộc. Ví dụ điển hình là tỉnh Hưng Yên. Sau 2 năm liên tục "dẫn đầu" cả nước về tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất, năm 2010 tỉnh Hưng Yên đã giảm được tỷ số này còn 121 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy nhiên, tỷ số trẻ trai/trẻ gái khi sinh vẫn còn cao ở cả 10 huyện, thành phố của tỉnh này, nhất là Văn Lâm (133,9/100), Văn Giang (128/100), chênh lệch đến chóng mặt ở các xã Phụ Công (Văn Giang) là 253/100, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) 202,4/100... Vì vậy, đây vẫn là những địa bàn trọng điểm được Hưng Yên xác định cần phải tích cực giải quyết.

Cùng với ngành dân số, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình "Chức sắc và tín đồ tôn giáo tham gia giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh" tại 4 xã của tỉnh Hưng Yên và Thái Bình do TƯ MTTQ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện trong Tháng hành động. Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ, cái được lớn nhất của mô hình này là nhà chùa, nhà thờ và nhà sư, chánh sứ, linh mục trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Còn Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Trung ương Hội Nông dân đã triển khai mô hình "Dân số và phát triển bền vững" ở 10 tỉnh, thành phố với mục đích làm thay đổi nhận thức, hành vi của những người nông dân ở vùng nông thôn... Từ báo cáo của tỉnh Hải Dương: hiện nay đã có 302 CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với công tác DS-KHHGĐ, 142 câu lạc bộ DS-KHHGĐ không có người sinh con thứ ba… cho thấy mô hình do UNFPA và Trung ương Hội Nông dân đã triển khai ngày càng phát huy hiệu quả bởi tính thiết thực và sự lựa chọn đối tượng tuyên truyền chính xác (đối tượng trực tiếp tham gia mô hình này là nam nông dân).

Mặc dù đạt được một số
kết quả đáng ghi nhận trong Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2010, song đây là nhiệm vụ không phải chỉ thực hiện trong một tháng, một năm mà cần thực hiện liên tục, lâu dài. Bởi, nếu thực hiện tốt Tháng hành động sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia, dân tộc. Hơn thế, công cuộc này không phải của riêng ngành dân số mà cần có sự chung sức, chung lòng của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

Hà Nội: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc


Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp: Tổ chức thông tin truyền thông, tọa đàm, hội thảo nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ lồng ghép với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa, khu dân cư không có người sinh con thứ ba... Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp: Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của hội; các CLB bình đẳng giới, CLB phụ nữ vị thành niên. Hội Nông dân: Tuyên truyền thông qua các chương trình công tác của Hội và hoạt động của các CLB nam nông dân không sinh con thứ ba trở lên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Đưa nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong sinh hoạt đoàn, hội, CLB chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho hàng nghìn đoàn viên tham gia...

Hội KHHGĐ thành phố: Tập huấn chăm sóc SKSS cho đối tượng vị thành niên, cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên tại các chợ; tư vấn cộng đồng về SKSS/KHHGĐ cho khối đoàn thể các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháng hành động quốc gia về dân số: Lợi ích dài lâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.