Trong câu tục ngữ trên, Tháng Giêng được hàm chỉ là “tháng đầu tiên của năm âm lịch” theo cách tính cổ truyền. Đây là tháng đặc biệt có ý nghĩa đối với người Việt, vì những lễ tết lớn nhất, “máu thịt” nhất của dân tộc như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu... đều diễn ra trong tháng này. Mọi người, dù đang làm ăn sinh sống ở đâu, trên mọi miền hay tận nơi xa xứ, đều cố gắng tìm cách trở về hay hướng về với cội nguồn tổ tiên trong những ngày thiêng liêng này.
Tháng Giêng - mùa của lễ hội
Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc có nghĩa là vào thời gian quãng tháng Giêng hằng năm, người ta có cảm giác là ăn uống tiêu pha tốn kém nhiều, nhất là lương thực. Bồ thóc ở đây là biểu trưng cho kho lương thực dự trữ quan trọng trong mỗi nếp nhà nông thôn Việt Nam xưa (bồ thóc, cót thóc, chum thóc... cũng là một. Thóc đầy bồ, lúa đầy kho tượng trưng cho sự no đủ). Ăn đến “nghiêng bồ thóc” tức là đã ăn đến mức cạn, đã gần hết rồi đấy. Mà thóc gạo thì đâu phải tự nhiên sinh ra và đâu có dễ kiếm ? Thế nhưng, chả lẽ dân gian ta chỉ ăn uống tiêu tốn vào tháng Giêng thôi sao ? Quanh năm, lúc nào mà con người chả cần ăn mặc, sinh hoạt để duy trì cuộc sống, kể gì tháng Giêng ?
Nói như vậy không sai nhưng chưa hết nhẽ. Tháng Giêng được coi là tháng của các ngày tết lớn nhưng cũng là thời điểm mà nhân dân ta - những người xưa kia đa phần sống bằng nghề nông - được phép nghỉ ngơi. Mùa màng, lúa má, rau màu... thu hoạch cơ bản đã xong. Những chân ruộng cần cấy sớm cũng đã được cấy trước tết. Thời tiết lúc này cũng vào trà rét đậm, nếu tiếp tục triển khai công việc đồng áng cũng không thật thuận lợi. Vì vậy, cùng với việc sắm sanh lo liệu tết nhất, thăm viếng, hỏi han và chúc tụng nhau, người ta cũng tổ chức các lễ hội khắp nơi cho vui vẻ, bõ những tháng ngày làm lụng vất vả suốt năm. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà! Thôi thì có đủ mọi các lễ hội, nhiều màu sắc, tùy theo phong tục, văn hóa, tín ngưỡng của mỗi vùng. Ta thấy các lễ hội như Lễ hội chùa Hương, Hội chùa Thầy, Lễ Bà Chúa Kho, Hội Lim, Hội Gióng, Hội Đâm trâu, Hội Đua ghe ngo, Hội Vật... bắt đầu mở màn và sôi động từ ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài tận tháng hai, tháng ba âm lịch (bây giờ người ta còn kéo dài hơn so với truyền thống).
Đền Bà Chúa Kho |
Câu tục ngữ xưa nhắc khéo chúng ta về một thái độ, một trách nhiệm rất đáng suy ngẫm khi bước vào năm mới Bính Tuất đầy sôi động và ý nghĩa trên đất nước ta.
TS Phạm Văn Tình
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.