Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tháng củ mật” - cẩn trọng với trộm cắp tài sản

Tiến Thành| 18/01/2020 06:53

(HNM) - Theo quy luật, tội phạm trộm cắp tài sản thường có diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Để bảo đảm an toàn tài sản của gia đình vào “tháng củ mật”, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, người dân, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao ý thức tự phòng ngừa...

Công an Hà Nội đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phổ biến thủ đoạn của tội phạm.

Không thể chủ quan

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong tổng số 4.136 vụ phạm pháp hình sự được phát hiện trên địa bàn thành phố năm 2019 thì có đến 2.120 vụ trộm cắp tài sản, chiếm tỷ lệ hơn 50%. Thời điểm cuối năm, giáp Tết, chỉ cần sơ suất, lơ là trong việc giữ gìn tài sản sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện hành vi trộm cắp.

Rạng sáng 25-12-2019, Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) trong khi tuần tra, kiểm soát địa bàn phát hiện đối tượng Phan Công Hà (sinh năm 1996, trú ở tỉnh Bắc Giang) có nhiều biểu hiện nghi vấn đã kiểm tra hành chính. Tại cơ quan công an, Hà khai nhận, trong thời gian ngắn đã gây ra 3 vụ trộm cắp tài sản tại nhà người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy...

Trung tá Kiều Xuân Quyền, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hà Đông) nhận định, thời điểm Tết Nguyên đán, hoạt động của tội phạm trộm cắp trên địa bàn gia tăng, có diễn biến khó lường, đặc biệt là ở các khu nhà trọ, nơi công cộng… Tội phạm thường chú ý vào các gia đình về quê hoặc đi chơi xa, các hộ dân ở trong ngõ, khuất tầm nhìn hay tại các khu cho thuê trọ, cửa hàng kinh doanh để hoạt động trộm cắp tài sản bằng phương thức đột nhập. Tài sản chúng để ý tới chủ yếu là xe máy, thiết bị điện tử đắt tiền. “Qua thực tế các vụ mất cắp xảy ra cho thấy, nguyên nhân một phần do ý thức cảnh giác, tự bảo quản tài sản của người dân chưa được tốt”, Trung tá Kiều Xuân Quyền nói.

Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc tội phạm lợi dụng những nơi đông người để thực hiện hành vi trộm cắp. Bà Trần Thị Kim Thành (trú ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) cho biết, trong lúc đi dạo ở khu vực phố cổ Hà Nội vào ngày 15-12-2019 thì bị kẻ gian lấy mất một túi vải bên trong có 2 điện thoại di động và tiền mặt. Rất may, ngay sau đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ Nguyễn Đình Tiến (sinh năm 1980, trú ở quận Hai Bà Trưng) là thủ phạm gây ra vụ trộm cắp nêu trên.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), trong 2 tháng triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố (từ ngày 15-9 đến 14-11-2019), số vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố đã giảm hơn 10%, so với hai tháng liền kề trước đó. “Tuy nhiên, không thể chủ quan, lơ là vì cứ thời điểm cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tội phạm trộm cắp tài sản lại hoạt động mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn”, Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) nói.

Phòng ngừa từ địa bàn cơ sở

Đại tá Đinh Huy Hoàng, Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, thời gian qua, Công an quận đã phối hợp với các phường triển khai tuyên truyền cảnh báo phòng ngừa trộm cắp tài sản tại các cửa hàng, dán tờ rơi cảnh báo đề phòng trộm cắp xe máy trên các phương tiện giao thông, lắp đặt camera giám sát an ninh, lắp đặt hệ thống cảnh báo định vị cho xe máy... Cùng với đó, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý các cửa hiệu cầm đồ, kinh doanh điện thoại di động, vàng bạc. Mọi thông tin về đặc điểm tang vật được thông báo cho từng cơ sở kinh doanh trên và yêu cầu cam kết không được tiêu thụ tài sản nghi có nguồn gốc phi pháp.

Thiếu tá Bùi Mạnh Cường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Ba Đình) cho biết, Công an quận đã chủ động xây dựng phương án điều tra cơ bản, nắm vững các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, lực lượng cơ sở như các tổ tự quản, bảo vệ dân phố… cũng được huy động nhằm bảo đảm công tác phòng ngừa khép kín địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Thành Công (quận Ba Đình) thông tin: Các thành viên của ban đã đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị nhằm chủ động bảo vệ, giữ gìn tài sản; hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản để nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa.

Ở địa bàn từng “nóng” về tội phạm trộm cắp tài sản, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Công Kết cho biết, ngay từ cuối năm 2019, Công an xã đã tập trung rà soát các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc nghi vấn trộm cắp, tiêu thụ tài sản trên địa bàn để thực hiện các biện pháp răn đe, giáo dục. Đồng thời, các lực lượng chức năng của xã cũng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn nhằm phát hiện, phòng ngừa và trấn áp tội phạm trộm cắp tài sản, đặc biệt là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Để bảo đảm an toàn tài sản của gia đình và cơ quan, đơn vị, đặc biệt vào dịp cuối năm, Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Phòng chống cướp và cướp giật tài sản (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, các gia đình, cơ quan cần gia cố hệ thống cửa chắc chắn, lắp hệ thống camera giám sát an ninh, còi báo động để phòng ngừa kẻ gian đột nhập. Khi phát hiện đối tượng đột nhập, cần bình tĩnh xử lý, báo tin cho những người xung quanh cũng như công an nơi gần nhất để có phương án đối phó, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người trong gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tháng củ mật” - cẩn trọng với trộm cắp tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.