(HNMO) - Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong tháng 7 và 8, nếu tính theo tỷ giá mua 23.125 VND/USD, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra thị trường hơn 127.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), thấp hơn mức dự kiến ban đầu là gần 162.000 tỷ đồng (tương ứng 7 tỷ USD).
Đối với thị trường tiền tệ trái phiếu, trong tuần cuối cùng của tháng 8, kênh giao dịch thị trường mở (OMO) tiếp tục không phát sinh giao dịch. Trong khi đó, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện khoảng 5,5 tỷ USD, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang.
Tương đương, trong 2 tháng qua, thị trường đã đón nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ. Việc được bổ sung lượng tiền lớn đã giúp thanh khoản hệ thống tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào, thể hiện rõ nhất tại lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh.
Cụ thể, kỳ hạn qua đêm giảm 0,02%/năm xuống 0,7%/năm; 1 tuần giảm 0,05%/năm còn 0,84%/năm; 2 tuần còn 0,96%/năm; 1 tháng: 1,19%/năm. Như vậy, lũy kế tháng 8, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm 0,15%/năm.
Do thanh khoản khá dồi dào nên các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng việc triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nay đến cuối năm.
Chẳng hạn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỷ đồng, cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.