Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thần tượng” đã thực sự là người “nổi tiếng”?

Trần Lê An| 11/01/2011 11:12

(HNMO)- Làm người bình thường đã khó, làm người nổi tiếng còn khó hơn gấp vạn lần. Làm người nổi tiếng phải chịu rất nhiều áp lực: áp lực từ dư luận, từ bạn bè, từ đồng nghiệp, từ công chúng và không loại trừ áp lực từ chính sự nổi tiếng của họ.


"Nghĩ đến nổi tiếng mà lo
Nói nhỏ cùng hoá hét to vỡ trời" (Bảo Sinh)

(HNMO)- Làm người bình thường đã khó, làm người nổi tiếng còn khó hơn gấp vạn lần. Làm người nổi tiếng phải chịu rất nhiều áp lực: áp lực từ dư luận, từ bạn bè, từ đồng nghiệp, từ công chúng và không loại trừ áp lực từ chính sự nổi tiếng của họ.

Từ cổ chí kim, không ai đạt được vinh quang một cách dễ dàng cả. Nói 1 câu đơn giản trong trường hợp này mà bất kỳ 1 người bình thường cũng nói được. Đó là: cái gì cũng phải có giá của nó! Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến sự vinh quang đích thực (ngoại trừ tất cả những trường hợp khác).

Trong những ngày qua, dư luận, báo chí, mạng internet ồn ào về chuyện Uyên Linh - Hiện tượng của Việt Nam Idol. Gọi là hiện tượng không sai. Hiện tượng là sự khác thường nổi lên trong một hoàn cảnh nào đó. Từ này không bao hàm tuổi tác. Nếu để chỉ tài năng trong đó có bao hàm tuổi tác thì trẻ có từ "thần đồng", già có từ "lão làng" hoặc "cây đa, cây đề..." Điểm qua những bài viết, phỏng vấn trên báo chí, đặc biệt là trên mạng. Từ những fan (không kể lứa tuổi) của Uyên Linh, những ý kiến đánh giá nhận xét của giới chuyên môn, người ta hình dung như đang có chiến sự diễn ra ác liệt và không ít những lời phản hồi có tính cay cú, thậm chí xúc phạm lẫn nhau. Chúng ta nên bình tĩnh, nhìn nhận, đánh giá lại cho công bằng về vấn đề này để làm dịu bớt những cái đầu đang nóng lên không cần thiết.

Theo tôi, Uyên Linh có năng khiếu bẩm sinh, có chất giọng, sự truyền cảm động chạm được tới tâm hồn của người nghe. Đó chính là sự cảm thụ sâu sắc từ chính bản thể của người hát, điều này thì dù có học hành chính quy cũng khó có ai dạy được. Trong một thời gian ngắn, từ một người vô danh bỗng chốc trở thành một người được hàng triệu người biết đến. Ta thử nghĩ xem, ngủ qua một đêm, sáng mai tỉnh giấc, ta bỗng trở thành một tỉ phú hoặc một người nổi tiếng thì cảm giác của ta sẽ thế nào? Sốc! Đó là điều chắc chắn.

Bản thân Uyên Linh không có lỗi gì khi cô chọn ngành ngoại giao mà không chọn ca hát ngay từ đầu. Nếu Uyên Linh là người thực sự đam mê và quyết tâm theo đuổi nghệ thuật tới cùng, tôi tin cô ấy sẽ thành công. Nếu sau vài ba năm (có thể là ít hơn nữa) Uyên Linh không làm được điều gì đáng nói thì chính cô ấy sẽ là người có lỗi vì đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả đã giành cho cô. Tuy vậy, để làm được điều đó thì bước tiếp theo là gì? Điều này thật không đơn giản. Điều hạn chế ở Uyên Linh là mặc dù có năng khiếu bẩm sinh nhưng chưa được đào tạo bài bản. Giá như (giá như thôi) ở tuổi 22 Uyên Linh đã kịp tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc thì tốt biết mấy. Chẳng ai có thể phủ nhận được giá trị của việc học hành. Liệu có mấy ai dám vỗ ngực mà nói rằng: không thầy mà vẫn làm nên cho dù người thầy đó không hẳn phải là người thầy đứng trên bục giảng của nhà trường? Phấn đấu để có tri thức là khát khao của cả nhân loại chứ không của riêng ai. Đối với Uyên Linh, việc học hành kiến thức cơ bản nói cho chính xác và công bằng là có hơi muộn nhưng vẫn còn kịp. Việc học hành của cô không nhất thiết phải vào nhạc viện mà hãy tìm cho mình một người thầy xứng đáng để học hỏi. Phải học để có kiến thức và quan trọng hơn là văn hoá hát. Mới đây tôi có được nghe một tác phẩm mới của nhạc sỹ Phó Đức Phương: ca khúc Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ trong đó có câu: "Ngẫm về thuỷ chung, với tay vào vô cùng..." Tôi hỏi ca sỹ đã hát bài này: Thuỷ chung ở đây được hiểu thế nào? Ca sỹ trả lời ngay :"là sự thuỷ chung trong tình yêu ấy!" Tôi nghe mà cảm thấy lạnh sống lưng. Cần phải hiểu "thuỷ" ở đây là sự khởi thuỷ, điểm bắt đầu. "Chung" là sự chung cuộc, kết cuộc, tức là điểm kết thúc. Vậy phải hiểu "chung thuỷ" là điểm đầu và điểm cuối. Thế đấy, kiến thức và văn hoá hát quan trọng biết nhường nào.

Ca sỹ Uyên Linh


Nhận xét, đánh giá về Uyên Linh, chúng ta nên lắng nghe suy nghĩ, phân tích từ nhiều khía cạnh của vấn đề, tránh hiệu ứng đám đông: Hãy thử hình dung xem khi ta tham gia giao thông, còn 3, 4 giây mới đến đèn xanh, người ở phía trước ta bỗng rồ máy chạy, lập tức những người ở phía sau cũng rồ ga chạy theo, trong khi đó những người cuối cùng đi ở luồng bên kia đang ở giữa ngã tư. Thế là xảy ra ùn tắc. Nếu đi đúng tín hiệu, bình tĩnh một chút thì liệu có xảy ra điều đó không?

Uyên Linh là một cô gái có học, chuyên ngành ngoại giao sẽ giúp cho cô ấy rất nhiều kiến thức trong việc giao tiếp cũng như ứng xử. Chắc chắn Uyên Linh có đủ khả năng và tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề. Tôi hy vọng cô ấy sẽ biết mình phải làm gì, làm thế nào để không phụ lòng người hâm mộ.

Tôi đã đọc kỹ các bài viết, cái bài phỏng vấn Thanh Lam, Lê Minh Sơn, Mỹ Linh, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Đức Tuấn trên báo chí và cũng đọc không ít những phản hồi của người hâm mộ. Đa số đều cho rằng họ có sự ghen tỵ với Uyên Linh. Ghen tị ư? Tôi nghĩ là không! Cần bình tĩnh bàn lại vấn đề này. Một người quản lý nhà hàng luôn có thói quen xăm soi bát đĩa xem đã sạch chưa. Một người lái xe tải hay đi sát lề bên phải vì luôn sợ va phải xe đi ngược chiều mặc dù trên đường lúc đó chẳng có chiếc xe nào đi ngược chiều. Một người thợ săn khi đi chơi với bạn ở trong rừng vẫn luồn lách sau những gốc cây vì sợ con thú nhìn thấy mình. Đó chính là nỗi ám ảnh và thói quen nghề nghiệp của họ. Với Thanh Lam, Lê Minh Sơn, Mỹ Linh hay Tùng Dương thì những gì họ đã làm, những gì họ đã cống hiến cho âm nhạc trong những năm qua và cả những gì họ vẫn đang làm hiện nay đã quá đủ để khẳng định vị trí của họ. Vậy thì chẳng có lý do để họ phải ghen tỵ với Uyên Linh cả. Uyên Linh có thể bừng sáng ở thời điểm kết thúc Vietnam Idol nhưng liệu sau nhiều năm nữa có làm được như họ không? Điều đó cần có thời gian để trả lời. Trong nhiều năm qua, có lúc họ đã phải trải qua nhiều mất mát, hy sinh, thiệt thòi và kể cả những lời thị phi. Mà điều này không phải ai cũng biết hoặc có biết cũng không chính xác hoặc chỉ biết phần nào. Chính họ, chứ không phải ai khác đã hiểu quá rõ cái giá mà họ phải trả. Nếu không có sự nỗ lực của bản thân và một lòng đam mê nghệ thuật tới cùng, tôi tin nhiều người trong số họ đã bỏ cuộc. Cái đáng nói ở đây là họ đã biết vượt qua khó khăn, đạp lên những rào cản để đi tiếp. Điều đó tôi chắc không nhiều người làm được. Việc nhận xét đánh giá Uyên Linh có phần hơi khắt khe. Có lẽ do thói quen nghề nghiệp mà họ là những người đi trước đã trải qua. Làm nghệ thuật gian nan thế đấy, có nhiều điều mà những người ngoài nghề chưa hiểu được. Uyên Linh cũng nên bình tĩnh, đừng dao động. Hãy coi đó là những bài học đầu tiên khi bước vào nghề và cũng là những kinh nghiệm, những cảnh báo của những người đi trước, truyền lại cho mình.

Sự sáng tạo trong nghệ thuật là vô tận. Có những sự sáng tạo lúc ra đời người ta không thể thẩm định được đó có phải nghệ thuật hay không hay chỉ là sự điên rồ:


Thiên tài cùng với thằng điên
Cách nhau chỉ một đường biên mơ hồ.


Nếu là nghệ thuật đích thực sẽ được đón nhận, nếu là phi nghệ thuật, quy luật sẽ đào thải. Nói rộng ra một chút, không riêng gì nghệ thuật mà các lĩnh vực khác như khoa học, chính trị, kinh tế cũng rất cần phải có sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Nhà bác học Xiôncôpxki chuyên nghiên cứu về tên lửa vũ trụ, chẳng phải đã có lúc bị những người làm công tác phân phối lương thực và nhu yếu phẩm doạ cắt tiêu chuẩn của ông vì họ cho rằng những nghiên cứu của ông là phiêu lưu, không tưởng. Hay như Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc đã từng dám thực hiện chủ trương táo bạo mà đương thời được coi là làm trái với chủ trương của nhà nước và còn biết bao trường hợp khác nữa.

Người nổi tiếng cần phải có tri thức, sự dũng cảm, sự sáng tạo, biết lắng nghe và một lòng vị tha.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Thần tượng” đã thực sự là người “nổi tiếng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.