(HNM) - Việc tăng tuổi nghỉ hưu đang được các cơ quan chức năng phân tích, bàn bạc kỹ lưỡng, dư luận xã hội quan tâm. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xem xét thận trọng các yếu tố như việc tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến xã hội như thế nào, đến người lao động ra sao... Để góp phần làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công nhân làm việc trực tiếp trong môi trường độc hại cần được điều chỉnh chế độ hưu trí hợp lý. |
- Là người tham gia nhiều cuộc họp bàn về các chính sách an sinh xã hội, ông có thể cho biết đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được nêu ra dựa trên cơ sở nào?
- Không phải đến bây giờ thì việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu mới được các cơ quan chức năng bàn bạc, thảo luận. Vấn đề này đã được đặt ra trong Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và nhiều chính sách khác liên quan. Trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lao động năm 2012, các cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
- Xin ông cho biết rõ hơn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chẳng hạn như đề xuất này hướng tới mục tiêu gì?
- Trong điều kiện hiện nay, có thể khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Trước hết, tăng tuổi nghỉ hưu là để bảo đảm cân đối quỹ hưu trí, tử tuất. Theo tính toán thì với chính sách đóng và hưởng bảo hiểm xã hội như hiện nay, quỹ hưu trí, tử tuất sẽ mất cân đối vào năm 2023, có khả năng không còn kết dư vào năm 2034. Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng thời gian đóng, giảm thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó quỹ hưu trí, tử tuất sẽ từng bước được cải thiện.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng hướng tới sự cân bằng, tính hợp lý giữa thời gian hưởng lương hưu với mức độ đóng góp, cống hiến của người lao động. Tuổi nghỉ hưu hiện tại được đưa ra ở thời điểm người Việt Nam có tuổi thọ trung bình là hơn 60, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên hơn 70. Tuổi thọ tăng, tuổi nghỉ hưu không tăng có thể xem xét như một sự bất hợp lý, cần điều chỉnh. Mặt khác, trên thực tế, nhiều người lao động nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc, có nhu cầu, điều kiện sức khỏe để làm việc. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu góp phần tránh lãng phí nguồn lực lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu còn là giải pháp chủ động đón nhận xu hướng già hóa dân số. Dự báo trong tương lai gần, trung bình mỗi năm mước ta có 10% dân số hết tuổi lao động. Bước vào thời kỳ dân số già, tất yếu sẽ thiếu nguồn lực lao động trẻ nên không thể không tính đến phương án kéo dài thời gian làm việc của người lao động. Một lý do nữa là tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
- Như ông trao đổi thì việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung, quỹ hưu trí, tử tuất nói riêng?
- Tôi xin nhấn mạnh, tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ là một trong nhiều giải pháp bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo tôi, để ổn định quỹ bảo hiểm xã hội thì chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn quỹ, ứng dụng công nghệ trong quản lý quỹ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính… Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng cần được tính đến.
- Ở góc độ người lao động, theo ông, tuổi nghỉ hưu nên được tăng như thế nào, tăng ở mức độ bao nhiêu là hợp lý?
- Theo quy định, tuổi nghỉ hưu hiện tại đối với nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Trong một số ngành nghề đặc thù thì người lao động nghỉ hưu sớm hơn. Theo số liệu của ngành Bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu trung bình hiện nay là 55 tuổi đối với nam, gần 52 tuổi đối với nữ. Như trên tôi đã trao đổi, người lao động ở nước ta nghỉ hưu sớm so với nhiều nước trên thế giới và so với tuổi thọ trung bình. Theo các phương án đề xuất, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ cao hơn hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, tôi đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải hết sức thận trọng. Tôi không đồng tình với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, không có sự phân biệt, phân loại đối với từng ngành nghề, lĩnh vực lao động. Đối với lao động trực tiếp, lao động trong các khu vực độc hại, lao động mang tính đặc thù, tuổi nghỉ hưu nên được giữ nguyên, thậm chí, với một số ngành nghề thì có thể giảm xuống. Nói chung, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng đối tượng, từ đó đề ra lộ trình tăng thích hợp.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát đối với người lao động về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu chưa, thưa ông?
- Liên đoàn Lao động các cấp đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy đa số người lao động trực tiếp nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định. Cá biệt, một số doanh nghiệp có xu hướng thải loại lao động từ 35 tuổi trở lên. Điều đó cho thấy tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên nhưng sức khỏe và chất lượng lao động tăng chưa đáng kể.
Điều đáng lưu ý nữa là mô hình kinh tế sử dụng nhiều lao động đang chuyển sang mô hình sử dụng lao động chất lượng cao nên công tác giải quyết việc làm, nhất là việc làm đối với lao động trẻ, vẫn đang là vấn đề bức thiết. Từ thực tế đó, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, nhưng phải được thực hiện hết sức thận trọng, có lộ trình rõ ràng, phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề lao động, với thực tế xã hội trong từng giai đoạn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.