(HNM) - Theo thống kê sơ bộ từ ngày 15-7, cả nước có khoảng 70 nghìn thí sinh đăng ký đổi nguyện vọng, hầu hết bằng hình thức trực tuyến.
Hình thức đổi nguyện vọng trực tuyến cho phép thí sinh đổi nguyện vọng đã đăng ký nhưng không tăng thêm số lượng nguyện vọng, không điều chỉnh ưu tiên khu vực và đối tượng. Tại Hà Nội, có khoảng 8 nghìn thí sinh đăng ký đổi nguyện vọng xét tuyển đại học.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng quy định được phép thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia là một ưu điểm của kỳ thi năm nay, nhưng thí sinh nên thận trọng trước khi quyết định, tránh thay đổi tùy tiện. Năm nay phổ điểm cao hơn so với năm trước, nên điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường dự báo sẽ cao hơn. Vì vậy, các em cần có những nguyện vọng dự phòng hợp lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số lượng nguyện vọng, nên ngoài các nguyện vọng theo sở thích, năng lực, các em nên đăng ký một vài nguyện vọng thấp ở những trường/ngành có điểm chuẩn trúng tuyển năm 2016 thấp hơn điểm thi năm nay của mình từ 2 đến 4 điểm để bảo đảm chắc chắn cơ hội trúng tuyển.
* Ngày 17-7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có kết quả phân tích sơ bộ về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của học sinh đăng ký tham dự kỳ thi này. Theo đó, Hà Nội có 45.722 học sinh có mức điểm xét tuyển đại học trên mức ngưỡng bảo đảm chất lượng (điểm sàn) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức là trên 15,5 điểm, chiếm tỷ lệ gần 85%. Trong đó, số lượng học sinh có mức điểm trên sàn của 2 khối thi đại học là 17 nghìn em, chiếm tỷ lệ 32%; tỷ lệ học sinh có điểm trên mức điểm sàn của 4 khối thi đại học đạt 26%, tương đương gần 14 nghìn em; tỷ lệ thí sinh có điểm trên sàn của 1 khối thi đạt 18,5%, của cả 5 khối thi đạt 1,9%.
Năm 2017, Hà Nội có tổng số 54.124 học sinh THPT đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.