Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thần tích, thần sắc - kho tư liệu sử về Hà Nội

VANCHIEN| 06/12/2009 05:21

(HNM) - Để phân biệt thứ bậc, thế kỷ XIV, Lý Tế Xuyên giữ chức Thủ đại tạng thư, Hỏa chính trưởng, coi giữ việc tế lễ, tham gia việc quản giám bách thần đời vua Trần Hiến Tông (1329) đã biên soạn sách Việt điện u linh. Đây là một công trình biên soạn, viết lại những chuyện vốn lưu hành về các vị thần ở nước ta.

(HNM) - Để phân biệt thứ bậc, thế kỷ XIV, Lý Tế Xuyên giữ chức Thủ đại tạng thư, Hỏa chính trưởng, coi giữ việc tế lễ, tham gia việc quản giám bách thần đời vua Trần Hiến Tông (1329) đã biên soạn sách Việt điện u linh. Đây là một công trình biên soạn, viết lại những chuyện vốn lưu hành về các vị thần ở nước ta.

Bạn đọc tham khảo tài liệu tại Thư viện Thông tin Khoa học xã hội.

Sử gia Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí, cho biết: “Việt điện u linh chép những đế vương và bề tôi các đời, những người có tiếng anh linh, gồm 28 truyện”. Năm 1774, Chư Cát thị đã để tâm tìm các bậc ẩn dật, rộng nhặt khắp bách gia, lược bỏ rườm rà, sao cho ý tứlưu loát, đầu cuối khớp nhau, biên soạn lại Việt điện u linh với 41 truyện chia thành bốn quyển.

Sách Việt điện u linh kể tường tận sự tích Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Phạm Cự Lượng, Lý Thường Kiệt… Cùng với Việt điện u linh còn có Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, soạn thế kỷ XV, chép những chuyện kỳ lạ thu góp, lượm lặt ở cõi Lĩnh Nam, trong đó có Chuyện Lý Ông Trọng, Chuyện Rùa vàng là những chuyện rất cổ. Truyền thuyết về nhân vật Lý Ông Trọng được lưu truyền trong dân gian từ thời Bắc thuộc, đã được ghi vào thần tích ở đền Chèm, huyện Từ Liêm, sau đó được chép vào Việt điện u linh và cũng được chép vào Lĩnh Nam chích quái. Vũ Quỳnh ví sách Lĩnh Nam chích quái với sách Sưu thần tự của người Tấn và sách U quái lục của người đời Đường và viết: “Đất nước Nam kỳ lạ tất có nhân dân anh hào, đã có nhân dân anh hào tất có sự tích vĩ đại; người phương Bắc có những chuyện thần kỳ để ca tụng Tổ quốc và nhân dân họ, người phương Nam há lại kém sao!”. Sau này còn có Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm… cũng kể chuyện các vị thần là các anh hùng liệt nữ.

Ngoài các vị thần đã được ghi trong tự điển và được các triều đại phong sắc, trên khắp các làng quê Việt Nam đều có đền và miếu. Người được thờ phụng tại đó là các nhiên thần, thiên thần và nhân thần. Sự tích vị thần được các nhà nho văn hay chữ tốt biên soạn bằng chữ Hán hoặc Nôm, những sự kiện lịch sử đan xen chuyện kể dân gian, tạo sự phong phú và sinh động. Đó là các anh hùng có công đánh giặc ngoại xâm, người có công khai ấp mở làng, các vị tổ nghề, có khi là các vị thần sông, thần biển. Năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), thực hiện chủ trương của triều đình, các làng xã kê khai thần tích, thần phả để bao phong. Việc chỉnh lý các thần tích được giao cho Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (ông có thể là người huyện Đan Phượng) làm ở Bộ Lễ phụ trách.

Về sau, các thần tích do Nguyễn Bính soạn được Quản giám bách thần Nguyễn Hiền, sao lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) đời Lê Ý Tông. Những bản này mang nhiều tên gọi khác nhau như thần tích, ngọc phả, phả lục, cổ lục, sự tích… song cùng chung một tính chất. Nhằm thu phục lòng dân, thông qua việc quản các vị thần, các triều Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, vào các ngày quốc khánh như khi nhà vua đăng quang, ngày vua tứ tuần đại khánh, ngũ tuần đại khánh, dựa vào thần tích từ Bộ Lễ tâu lên, đều có phong sắc. Mỗi lần ban sắc lại được vua ban mỹ tự, thường là ba chữ nói về công lao, phẩm hạnh của vị thần đó; và phẩm trật cũng được tăng lên một bậc, từ hạ đẳng thần, trung đẳng thần đến thượng đẳng thần. Lễ đón sắc vua ban được chức sắc các làng xã tổ chức hết sức trọng thể. Sau đó, các sắc phong này được cho vào hộp sơn son thếp vàng đặt trước khám thờ tại hậu cung của các đền, đình. Trong bản văn tế vào ngày kỵ thần, viên tả văn đều chép các mỹ tự vua ban cho thần.

Có thể nói các thần tích và sắc phong là hồn cốt ở các di tích. Khi người Pháp đến Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã không bỏ qua mảng văn hóa đặc sắc này. Vào năm 1938, dưới danh nghĩa “Hội khảo cứu phong tục”, các nhà nghiên cứu đã làm một cuộc tổng điều tra về các vị thần được thờ phụng ở khắp các làng xã từ Nam Trung bộ trở ra Bắc. Báo cáo của các chức sắc có đủ các bản chép thần tích, các sắc phong thần và phong tục thờ cúng với những đặc điểm riêng biệt của mỗi làng, từ rước xách, lễ vật, đến các kiêng kỵ…

Đây là một kho tư liệu đặc biệt, bao gồm những trang viết tay hoặc đánh máy, bằng chữ Hán và Quốc ngữ được lưu tại Viện Viễn Đông bác cổ, sau Viện Thông tin Khoa học xã hội (TTKHXH) tiếp thu. Năm 1995, được Quỹ TOYOTA của Nhật Bản tài trợ kinh phí, Viện đã lập Thư mục thần tích, thần sắc của 12.895 làng xã, tổng, phủ, huyện trên 53 tỉnh, thành cả nước, riêng khu vực Hà Nội cũ có thần tích của 168 làng, phố. Ấy là chưa kể hàng nghìn thần tích, sắc phong của các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, năm 1938 còn thuộc các tỉnh Hà Đông, Phúc Yên và Bắc Ninh. Kho văn bản sao chụp từ nguyên bản gốc được đóng thành 9.000 đơn vị tin theo từng làng, xã để phục vụ cho việc khai thác và nghiên cứu.

Sách Việt điện u linh.

Các thần tích, sắc phong còn lưu tại Viện TTKHXH cùng hàng nghìn bản khác lưu tại khắp các đình, đền và trong dân đã giúp các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều chuyện về văn hóa và lịch sử Hà Nội. Từ thần tích, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán phát hiện đền Đồng Thuận ở phố Hàng Cá thờ Lý Tiến, người chỉ huy đoàn quân chống giặc xâm lược nước Văn Lang hy sinh khi về đến trại Tiên Ngư ngay bên bờ sông Tô Lịch. Sau khi mất, ông đã báo mộng vua Hùng nên rao mõ cầu hiền, do đó đã phát hiện ra Thánh Gióng. Lý Tiến là vị anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên của dân tộc và đã hy sinh ngay trên đất quận Hoàn Kiếm. Năm 1976, trong sách Danh nhân Hà Nội tập 2, do Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản, cụ Vũ Tuân Sán đã công bố công danh, hành trạng của 23 vị tướng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiến đấu và hy sinh ngay trên đất Hà Nội cổ. Đó là ba anh em họ Đào ở Thổ Quan, quận Đống Đa; Nàng Tía ở làng Vĩnh Ninh (Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì); ba anh em Quách Lãng và Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương ở Thượng Cát, huyện Từ Liêm…

Đến nay, các nhà nghiên cứu còn nhớ chuyện ngôi đình Mai Động, quận Hoàng Mai thờ Đô tướng Tam Trinh. Năm 1985, làng Mai Động lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng bảo tồn ngôi đình. Hồ sơ kiến trúc ngôi đình đã lập xong, nhưng sự tích vị thần còn chưa đủ tư liệu. Trước đây, ở Mai Động, bản thần tích không chỉ được lưu giữ ở đình, một số thầy đồ, thầy cúng còn chép lưu tại các tư gia. Biết làng cần, ông Triệu Văn Nha đã giao cho làng bản thần tích chữ Hán này. Qua các điều ghi chép, người ta biết vị thần làng là Đô tướng Tam Trinh vốn người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến mở trường dạy học bên bờ sông Kim Ngưu trên đất Mai Động ngày ấy. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, ông đã đưa các tráng đinh trong vùng lên Hát Môn tụ nghĩa. Đến nay, người ta biết rõ thêm, đô Tam Trinh còn là tổ môn võ vật Việt Nam.

Những giá trị lịch sử của các thần tích và sắc phong như vừa nêu ở trên có thể còn dẫn ra rất nhiều. Mấy chục năm qua, những giá trị ấy đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, bổ sung vào lịch sử Thủ đô Hà Nội. Nhận rõ giá trị của kho báu, trong năm 2008, 23 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã bước đầu sưu tầm biên, soạn sách Sự tích các vị thần Thăng Long - Hà Nội. Sách dày hơn 500 trang, giới thiệu 120 vị thần ở 9 quận nội thành và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Cuối mỗi sự tích, sách còn có thông tin về kiến trúc đình, đền; ngày mở hội và các lễ vật, trò chơi chính trong hội. Một số sự tích vị thần lần đầu được công bố như Công Ba đại vương ở làng Nguyệt Áng, Thanh Trì; Nha Cát đại vương có công khai hoang lập Vĩnh Hưng Trang ở quận Hoàng Mai, thế kỷ XV. Qua các bài viết, các tác giả đã có cuộc tổng kết khá thú vị như thần Linh Lang ở trấn Tây kinh thành có 269 nơi thờ, thần Cao Sơn trấn phía Nam có 172 nơi thờ; Phò mã Nguyễn Chế Nghĩa, Thành hoàng làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm có 80 nơi thờ…

Kho thần tích, thần sắc lưu tại Viện TTKHXH đã được khai thác và trởthành kho tư liệu sử quý giá của Hà Nội và cả nước.

Trần Văn Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thần tích, thần sắc - kho tư liệu sử về Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.