(HNM) - Những cây mắm, cây bần ken sát vào nhau vươn ngọn lên trời xanh. Từ thân cây mảnh dẻ xỉa ra những tia rễ, chụp xuống mặt đất sình lầy đen sì, đặc quánh, đan vào với nhau thành chùm, kết khối vững chắc. Những con đường nhựa láng bóng, sạch sẽ đan xen cùng hệ thống sông rạch ngoằn ngoèo, mát rượi dưới tán cây tỏa về từng cụm dân cư trù phú.
Đó là những gì chúng tôi bắt gặp giữa chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ sau 37 năm thống nhất đất nước khi được tới với vùng đất nổi tiếng này. Cần Giờ vẫn còn là huyện vùng xa nghèo khó nhất thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nay khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được thế giới công nhận này đang vươn mình đổi mới từng giờ.
Dấu ấn thời gian
Chiếc xe cao cấp của Saigontourist đón đoàn Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hànộimới, Sài Gòn Giải Phóng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) từ khách sạn Kỳ Hòa, quận 10 nhằm hướng đông - nam, thẳng tiến. Qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng với những đường phố thênh thang, đẹp như mơ tới huyện Nhà Bè, lên phà Bình Khánh vượt sông Xoài Rạp là tới vùng Rừng Sác. Đoàn xe xếp hàng dài dặc đợi qua phà, các bạn Báo SGGP cho biết, ngày cuối tuần, người thành phố đổ về Cần Giờ chơi đông, nên dù đã được nhận thêm nhiều con phà lớn, hiện đại từ bến cũ Cần Thơ chuyển giao, nhưng việc qua sông vẫn chưa hết ùn. Đi bộ xuống phà, lại gặp màu áo xanh mạ non của thanh niên xung phong (TNXP) điều hành phương tiện lên phà mới hay, Công ty Dịch vụ công cộng của TNXP đảm nhận nhiều hoạt động dịch vụ công ích của thành phố như trông giữ xe, duy trì trật tự và điều hành giao thông… rất có tín nhiệm, giá cả lại rất rẻ. Con phà lớn, chở chục chiếc ô tô, hàng trăm xe máy xếp thành hai hàng, hành lang hai tầng cho người đi bộ dưới sự điều khiển của 5 TNXP vượt sông trong 15 phút. Nhìn ra cửa Xoài Rạp, lừng lững hàng chục con tàu biển trắng lấp lóa đang neo đậu. Thì ra đây là cửa vào ra của cảng Sài Gòn.
Tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. |
Từ phà Bình Khánh bước lên, gặp cổng chào màu xanh, chữ vàng - đỏ: "Huyện Cần Giờ kính chào quý khách" lòng bỗng xôn xao. Lên xe, chạy bon bon trên con lộ lớn 6 làn xe, suốt dải phân cách giữa là hàng cây xanh xen với trụ hoa giấy màu hồng tươi, trông thật rực rỡ. Đoàn Hiệp - phóng viên Ban Chính trị Báo SGGP, chủ nhà, khỏe khoắn trong trang phục quần bò, áo kẻ, chưa tới tuổi 50 mà tóc đã muối tiêu, vẻ sành điệu, trở thành "hướng dẫn viên bất đắc dĩ" vớ micro, cất giọng: "Các anh chị đang đi trên đường Rừng Sác trải nhựa dài 37km từ phà Bình Khánh tới thị trấn Cần Thạnh của huyện Cần Giờ. Đây là đường trục chính của Cần Giờ, vừa khánh thành dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng, do hàng vạn TNXP của thành phố thi công trong nhiều năm vượt trên sình lầy, bom mìn của chiến tranh. TNXP còn cùng với nhân dân Cần Giờ lao động quên mình, biến một huyện từ "vùng đất chết" sau chiến tranh thành trù phú như hôm nay. Thủ lĩnh của TNXP lúc đó nay là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư đó".
Qua lời Đoàn Hiệp, chúng tôi được biết Cần Giờ xưa vốn là khu rừng ngập mặn mênh mông, còn có tên là Rừng Sác. Nó có tên như vậy là do người Nam bộ gọi cây Mắm là cây Sác. Đây là loài cây chịu mặn, hay sống cùng với các loại cây khác như sú, vẹt, đước, ô rô, chà là… Tổng diện tích tự nhiên của rừng Cần Giờ là hơn 75 ngàn héc ta, trong đó vùng lõi 4,7 ngàn héc ta, còn lại là vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trước giải phóng, Cần Giờ thuộc tỉnh Đồng Nai, là khu rừng ngập mặn có quần thể động, thực vật rất phong phú. Nhưng trong chiến tranh, kẻ địch trút xuống đây hàng vạn tấn bom đạn và chất độc hóa học, biến khu vực này thành "vùng đất chết". Năm 1978, Cần Giờ được sáp nhập về thành phố Hồ Chí Minh và UBND thành phố đã phát động chiến dịch trồng lại rừng ngập mặn, thành lập Lâm trường Duyên Hải với lực lượng chính là TNXP có nhiệm vụ khôi phục hệ sinh thái tự nhiên ở đây. Nhờ đó, diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 ngàn héc ta, trong đó có gần 20 ngàn héc ta rừng trồng, hơn 11 ngàn héc ta được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Năm 2000, Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây là một khu rừng đặc dụng mà các chuyên gia nước ngoài đánh giá là được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ tốt nhất ở Việt Nam và thế giới. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.
Đáng chú ý hơn, Cần Giờ - Rừng Sác là khu căn cứ, đứng chân của Đoàn 10 bộ đội đặc công suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ căn cứ này, bộ đội đặc công đã đánh hàng trăm trận, lập nên những chiến công vang dội: làm nổ tung tổng kho Long Bình, thành Tuy Hạ, thiêu rụi kho xăng Nhà Bè suốt 10 ngày… khiến Mỹ, Ngụy khiếp sợ.
Từng giờ thay da đổi thịt
"Các anh chị nhìn sang hai bên đường sẽ thấy những vuông tôm chạy nối tiếp nhau". Tiếng Đoàn Hiệp vẫn rỉ rả dẫn hướng cho con mắt chúng tôi quan sát Cần Giờ. Rẻo đất chạy dọc hai bên đại lộ Rừng Sác này tuy còn trống vậy mà đã có chủ hết rồi đó. Nhà đầu tư đều là những đại gia từ các quận nội đô đã nhắm địa thế nơi đây để mở trang trại du lịch sinh thái nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng cây ăn quả, xây nhà nghỉ dưỡng, điểm vui chơi… Trong tương lai gần, suốt dọc con đường này sẽ là cơ sở lưu trú, dịch vụ, sẵn sàng đón khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, khám phá Khu dự trữ sinh quyển độc đáo nhất của Việt Nam và thế giới.
Qua cầu Dần Xây - một cây cầu phải mất nhiều thời gian, công sức mới hoàn thành - đã thấy thấp thoáng những ngôi nhà kiên cố của dân cư thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa lẫn trong màu xanh rừng Sác. Bước vào khu đảo khỉ Lâm Viên bắt gặp một đoàn dài hàng chục chiếc xe du lịch cỡ lớn vừa đổ khách tham quan. Hơn 300 học sinh tiểu học, THCS, đồng phục xanh-trắng tràn vào khu Lâm Viên. Hướng dẫn viên chuyên nghiệp của Saigontourist tên Hải tươi cười đón chúng tôi, khiến Đoàn Hiệp thất nghiệp. Những chú khỉ đuôi dài trèo trên cây, đứng dưới đường công kênh nhau trên vai… tỏ ra bạo dạn vì quá quen với người cứ sán vào ngó nghiêng, trêu ghẹo, cướp cả kem và nước ngọt trên tay các cô cậu học trò. Anh Hải cho biết, tại đảo khỉ đang có 7 đàn khỉ đuôi dài. Mỗi đàn đều có thủ lĩnh cầm đầu hàng trăm cá thể khỉ lớn nhỏ. Khỉ đuôi dài và cá sấu là hai trong nhiều loài động vật được nuôi dưỡng, bảo tồn nghiêm ngặt ở đây. Là động vật đặc trưng của rừng Sác, các chú linh trưởng được cho ăn hai lần mỗi ngày bảo đảm đủ dinh dưỡng cho phát triển và phục vụ khách tham quan. Trong ngôi nhà lưu niệm xinh xắn, một sa bàn thể hiện toàn cảnh khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với hệ thống sông, rạch, rừng, biển, đường giao thông, ranh giới hành chính. Tại đây, những đặc trưng của hệ động, thực vật, thổ nhưỡng, địa chất, lịch sử hình thành, phát triển vùng đất này, thành tích trong chiến đấu, xây dựng, cả những dấu tích bom đạn, hiện vật lịch sử chiến tranh của ta và địch… có đủ. Bên cạnh nhà lưu niệm là các ngôi nhà quản lý, khu tham quan với một số chuồng thú có các loại khỉ, voọc, gà rừng… khu biểu diễn xiếc thú có suất diễn vào các ngày cuối tuần.
Để đi vào trung tâm căn cứ Rừng Sác, đội ca nô gần chục chiếc, mỗi chiếc chở 8 khách một lần lướt trên dòng nước đỏ đục của con lạch ngoằn ngoèo hết 5 đến 7 phút. Dưới tán cây xanh Rừng Sác, không gian nhỏ tái hiện hình ảnh chiến sỹ bộ đội đặc công mình trần, quần xà lỏn từng nhóm đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Một chiến sỹ quần nhau với cá sấu vừa vung dao, găm một nhát chí mạng vào trúng mắt con thú dữ nặng hơn 2 tạ. Bên bể nước mưa hứng từ ngọn cây, cô du kích áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn đang điều chỉnh bộ lọc nước lợ thành nước ngọt. Trong căn chòi nhỏ, bà má đang nhóm bếp nấu bữa cơm chiều cho bộ đội… Đến giữa căn cứ của đặc công Rừng Sác, chui vào những căn hầm, mái lán, sống lại khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu của bộ đội, nhâm nhi ly rượu đế với món đặc sản ba khía muối ăn kèm gỏi lá kìm Rừng Sác… thấy đủ vị ngọt bùi của rừng, biển phương Nam, càng khâm phục những người lính Cụ Hồ xiết đỗi.
Cần Giờ giờ đã đổi thay nhiều lắm, hướng dẫn viên Hải vẫn vừa đi vừa kể với chúng tôi. Hồi xưa đi lại trong Rừng Sác chỉ có những con rạch như rắn bò. Hai bên bờ rạch um tùm cỏ và lá dừa nước. Rừng Cần Giờ từng có trên 150 loài thực vật, chủ yếu là bần trắng, mắm trắng, ô rô, dừa lá, ráng… Hệ động vật rất phong phú, với gần 1.000 loài động vật từ không xương sống, hệ cá, hệ động vật có xương sống, hệ chim… Nhưng bom đạn và chất độc hóa học trong chiến tranh đã gần như xóa sổ rừng ngập mặn Cần Giờ. Sau giải phóng, huyện chỉ có 2.800ha đất trồng lúa một vụ với năng suất thấp. Hệ thống giao thông của huyện khi đó chỉ có 13km đường đất nối liền hai xã. Ngày nay, đường giao thông ở Cần Giờ có cả đường bộ và đường thủy đến tận xóm, ấp. Lưới điện quốc gia về Cần Giờ từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ năm 1998, ở bốn xã phía bắc huyện chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm. Nghề nuôi tôm sú tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã mang lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 3 ngàn hộ nuôi tôm trên diện tích gần 5 ngàn héc ta, đạt sản lượng hơn 6.000 tấn, trị giá gần 400 tỷ đồng. 10 năm trước huyện tiến hành thử nghiệm nuôi nghêu, sò huyết, hàu… khoảng 130ha, đến nay đã có 3.000ha đang khai thác. Ngoài ra, bà con nông dân đang nuôi trồng 12 loài thủy sản khác như: cá rô đồng, cá kèo, cá rô phi, cá điêu hồng, cá tra, cá mú, cá sấu, cua, ốc hương... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân giá trị thu nhập một héc ta đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi đã tăng lên 20 lần, lợi nhuận tăng hơn 80 lần so với trồng lúa và trồng cói trước đây. Vườn cây ăn trái phát triển ở thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa và một số khu vực ở các xã Bình Khánh, An Thới Đông gắn với phát triển du lịch nhà vườn. Xoài cát Cần Giờ, xoài cát trắng là hai loại trái cây nổi tiếng ở đây, chiếm 80% sản lượng, số còn lại là xoài thơm, cát chu. Hiện nay, ở xã Long Hòa có hơn 400 hộ, thị trấn Cần Thạnh có hơn 100 hộ trồng tất cả hơn 400ha xoài. Mãng cầu là một loại trái cây rất nổi tiếng ở Cần Giờ, có vị ngọt thanh đậm đà, mang hương vị đặc trưng của vùng đất cát ven biển. Thương mại dịch vụ - du lịch sinh thái được Cần Giờ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Những năm gần đây huyện đã triển khai hàng chục dự án du lịch có vốn đăng ký hàng ngàn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác cho hiệu quả tốt: Khu du lịch 30-4, Vàm Sát, Lâm Viên bình quân mỗi năm đón tiếp 300 nghìn lượt khách, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng…
Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Cách Mạng là người mạnh mẽ và quyết đoán. Nói về mục tiêu phát triển của Cần Giờ những năm tới, anh hào hứng xác nhận: quyết trở thành huyện giàu mạnh. Trước tiên phải chăm lo nguồn nhân lực, kế đó là xây dựng nông thôn mới. Huyện đã và đang triển khai một loạt quy hoạch chi tiết. Vốn quý nhất của Cần Giờ là con người và vị trí địa lý sẽ được khai thác tối đa để phát triển thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế…
Chia tay Cần Giờ, quê hương hai lần Anh hùng, khu dự trữ sinh quyển đặc trưng thế giới, chúng tôi không ai bảo ai đều vững tin vào tương lai sáng lạn của vùng đất Rừng Sác thân thương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.