Sự chú ý của cộng đồng quốc tế đổ dồn về Mỹ khi tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đồng thời là ông chủ của hãng xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX, vào ngày 5-7 vừa qua đã tuyên bố thành lập một đảng chính trị mới mang tên America Party (Đảng nước Mỹ), với khẩu hiệu “trả lại tự do cho người Mỹ”.
Tham vọng của tỷ phú Mỹ
Theo giới phân tích, Elon Musk - người có tài sản ròng ước tính hơn 400 tỷ USD - sở hữu nền tảng đủ mạnh để bước chân vào chính trường nước Mỹ. Vị tỷ phú sinh năm 1971 này nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ, gắn liền với hàng loạt dự án mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Elon Musk khởi đầu sự nghiệp vào năm 1995 với Zip2, công ty cung cấp bản đồ và danh bạ trực tuyến cho báo chí, sau này được bán cho Compaq với giá 307 triệu USD. Năm 1999, ông sáng lập X.com - nền tảng thanh toán trực tuyến, tiền thân của PayPal. Đến năm 2002, PayPal được bán cho eBay với giá 1,5 tỷ USD, mở đường cho những bước tiến lớn của Musk trong các lĩnh vực tiếp theo.
Ở giai đoạn hiện tại, Elon Musk được biết đến với nhiều dự án nổi bật có sức ảnh hưởng toàn cầu. Trong đó, SpaceX (thành lập năm 2002) là công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu vũ trụ lên trạm vũ trụ quốc tế, hiện cũng là đối tác chính của NASA trong các chương trình không gian. Tesla - hãng xe điện lớn nhất thế giới - tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong xu hướng giao thông xanh toàn cầu. Gần đây nhất, năm 2022, Elon Musk chi 44 tỷ USD để thâu tóm Twitter và đổi tên nền tảng này thành X, với tham vọng phát triển thành siêu ứng dụng tích hợp mạng xã hội, thanh toán và trí tuệ nhân tạo.
Từng chi hàng triệu USD để ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 của ông Donald Trump, Elon Musk một thời gian dài thường xuyên xuất hiện bên cạnh Donald Trump tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người đã rạn nứt do những mâu thuẫn sâu sắc.
Theo ông Trump, Elon Musk không hài lòng với đạo luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện do chính quyền ban hành, vì nó đã tước đi các khoản tín dụng năng lượng xanh dành cho xe điện của Tesla. Đạo luật này cũng nâng trần nợ công thêm 5.000 tỷ USD, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang trong giai đoạn 2025-2034 lên gần 3.300 tỷ USD, điều mà Elon Musk cho là đi ngược lại cam kết cắt giảm chi tiêu mà ông từng ủng hộ.
Vào đúng ngày 4-7, tỷ phú Musk đăng trên mạng xã hội X: “Ngày Quốc khánh là thời điểm hoàn hảo để hỏi liệu bạn có muốn thoát khỏi hệ thống hai đảng hay không? Chúng ta có nên thành lập Đảng nước Mỹ không?”. Cuộc khảo sát do ông đăng tải thu hút hơn 1,2 triệu lượt tham gia, với 65,4% ủng hộ ý tưởng lập đảng mới. Chỉ một ngày sau đó, ông tuyên bố: “Với tỉ lệ 2:1, bạn muốn một đảng chính trị mới và bạn sẽ có nó! Hôm nay, Đảng nước Mỹ được thành lập để trả lại tự do cho các bạn”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây không chỉ là một tuyên bố chính trị gây chú ý mà còn là một nước cờ đầy rủi ro đối với cả Elon Musk và hệ thống chính trị Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.
Một nước cờ nhiều rủi ro
Ông Elon Musk không ngần ngại cho biết sẽ tập trung tranh cử vào một số ghế quốc hội, cụ thể là những ghế của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã ủng hộ “dự luật lớn và đẹp” do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy, thay vì chạy đua vào Nhà Trắng. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các chính sách nhằm cắt giảm quy mô chính quyền, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quân đội và kiềm chế nợ công.
Tuy nhiên, ý tưởng thành lập một đảng chính trị mới đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. “Nước Mỹ xưa nay vẫn vận hành theo hệ thống hai đảng, và tôi nghĩ việc lập ra một đảng thứ ba chỉ khiến mọi thứ thêm rối rắm” - Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên, đồng thời đe dọa sẽ dừng các hợp đồng của chính phủ với Tesla và SpaceX.
Tên tuổi Elon Musk vẫn còn rất mới mẻ trong chính trị Mỹ, do đó, theo Washington Post, tỷ phú này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhận định này có cơ sở vững chắc bởi hệ thống pháp lý phức tạp của Mỹ vốn được thiết kế để ưu tiên cho hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hòa. Bên cạnh đó, cơ chế bầu cử “người thắng lấy tất cả” tại Mỹ cũng khiến các đảng nhỏ khó giành được ghế trong Quốc hội, bởi ngay cả khi có tỉ lệ phiếu phổ thông cao, ứng viên từ đảng thứ ba vẫn khó tích lũy đủ phiếu đại cử tri ở từng bang. Đạo luật Cải cách Chiến dịch Lưỡng đảng McCain-Feingold năm 2022 cũng làm hạn chế khả năng ông Elon Musk vung tiền xây dựng một đảng mới.
Việc ông Elon Musk dấn thân vào chính trị được dự báo sẽ gây phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư. Thực tế, thông tin về việc thành lập đảng mới đã khiến cổ phiếu Tesla giảm tới 8%, làm vốn hóa thị trường của công ty mất gần 70 tỷ USD chỉ trong một phiên giao dịch. Mặt khác, nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại khi tỉ phú Elon Musk bắt đầu xây dựng ý tưởng “chính trị gia xuyên quốc gia”, tức là vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp để trở thành “nhà lãnh đạo tư nhân toàn cầu”. Điều này có thể dẫn đến một kịch bản làm đảo lộn định hướng chính sách và định nghĩa lại mối quan hệ giữa công nghệ, tài chính và quyền lực. Nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi liệu nền chính trị Mỹ có đủ khả năng kìm chế ý tưởng táo bạo này hay không?
Nhiều kịch bản đáng chú ý
Giới phân tích cho rằng ý đồ của ông Elon Musk có thể tạo được tiếng vang và đạt được một số thành công nhất định nếu được triển khai nghiêm túc, nhưng rất khó để duy trì bền vững. Nhìn nhận theo góc độ chiến lược chính trị, “America Party” có thể dẫn đến ba kịch bản, phản ánh các mức độ ảnh hưởng và rủi ro riêng biệt đối với hệ thống chính trị Mỹ cũng như cá nhân ông Elon Musk.
Kịch bản đầu tiên là “gây nhiễu”. Trong tình huống này, “America Party” không nhất thiết phải thắng cử hay giành đa số trong Quốc hội Mỹ, nhưng đủ sức mạnh để tác động đến các chính sách do hai đảng truyền thống hậu thuẫn. Đây cũng là kịch bản khiến các chuyên gia lo ngại nhất, nhất là trong bối cảnh cử tri Mỹ đang ngày càng phân hóa sâu sắc. Khi một đảng trung gian được dẫn dắt bởi một nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Elon Musk xuất hiện, nguy cơ bị tách phiếu, đặc biệt trong khối cử tri Cộng hòa, là rất rõ ràng. Điều này có thể khiến nhiều ứng viên Cộng hòa mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hoặc ở các bang dao động.
Kịch bản thứ hai là “bùng nổ bất ngờ”. Dù khó trở thành hiện thực hơn, kịch bản này vẫn có thể xảy ra, xét đến nguồn lực của tỷ phú Elon Musk cùng lượng người theo dõi khổng lồ trên nền tảng X mà ông kiểm soát. Nếu tận dụng hiệu quả truyền thông, ông hoàn toàn có thể huy động đủ sự ủng hộ để đưa một số ứng viên của đảng mới giành chiến thắng tại các khu vực có dân trí công nghệ cao hoặc nơi người dân đã mất niềm tin vào cả hai đảng truyền thống. Đây cũng là điều từng xảy ra trong lịch sử chính trị Mỹ.
Kịch bản thứ ba là “đổ bể nhanh”. Nếu gặp phải những rào cản từ luật lệ bầu cử, đảng mới có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái “treo giò”, thậm chí “vỡ trận” khi chịu tác động gia tăng từ phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính, giới đầu tư và các đối thủ chính trị. Không loại trừ khả năng America Party sẽ tan biến như nhiều đảng thứ ba trong lịch sử Mỹ.
Việc tỷ phú Elon Musk thành lập đảng America Party là một bước đi táo bạo, quy tụ nguồn vốn và tầm ảnh hưởng chưa từng có đối với một đảng thứ ba trong nền chính trị Mỹ. Diễn biến tiếp theo khó có thể đoán trước, nhưng chắc chắn rằng nếu tham vọng mới không được quản lý hợp lý, Tesla, SpaceX, X... sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong việc cân bằng giữa chính trị và kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.