Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẩm tra lĩnh vực kinh tế, ngân sách: Nhiều kinh nghiệm cần nhân rộng

Việt Tuấn| 08/09/2022 06:15

(HNM) - Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng ra quyết định của HĐND thành phố Hà Nội là chất lượng thẩm tra các tờ trình, nghị quyết. Trong đó, nội dung thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố chủ trì được xác định quan trọng và cho thấy nhiều kinh nghiệm có thể nhân rộng.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội và đại diện các ban khảo sát tại Trạm xử lý nước thải xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Nhận thức tốt về quyền hạn

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã thực hiện thẩm tra nhiều nghị quyết quan trọng phục vụ cho 4 kỳ họp HĐND thành phố, như: Bổ sung Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội...

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga chia sẻ, để thẩm tra tốt thì mỗi đại biểu HĐND thành phố cần nắm chắc các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu cũng nghiên cứu kỹ Điều 83 Luật Đầu tư công về xem xét, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu. Ngoài ra, đại biểu cũng cần nắm rõ Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước về căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao…

Cũng trên cơ sở tìm hiểu kỹ các quy định, căn cứ vào báo cáo của UBND thành phố cũng như hoạt động giám sát của mình, Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện tốt vai trò thẩm tra, được Thường trực HĐND thành phố ghi nhận.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định, ngoài thẩm tra kỹ báo cáo, Ban Kinh tế - Ngân sách còn phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá, khảo sát thực tiễn về một số nội dung trước kỳ họp. Qua đó, việc thẩm tra có chất lượng, khẳng định được các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và phát hiện nhiều vấn đề còn hạn chế, nổi cộm qua báo cáo, tờ trình để UBND thành phố tiếp thu, giải trình, bổ sung. Từ đó giúp đại biểu HĐND thành phố có đủ căn cứ thảo luận, quyết nghị các nội dung tại kỳ họp.

Cần lan tỏa đến cơ sở

Nhiều đại biểu chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội chia sẻ, vấn đề cần chú ý về nội dung và kỹ năng thẩm tra chính là căn cứ để thẩm tra. Căn cứ này dựa trên các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố về định hướng, mục tiêu phát triển trung hạn 5 năm và hằng năm.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Vũ Ngọc Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nữa chính là cần thẩm tra tính đầy đủ, phù hợp trong hồ sơ trình của UBND thành phố, gồm báo cáo, tờ trình, biểu mẫu, thuyết minh, dự thảo nghị quyết của HĐND. Đối với các nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, cần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách kỳ vừa qua; so sánh kết quả thực hiện với các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, biện pháp đã được HĐND quyết nghị.

Ông Vũ Ngọc Anh thông tin thêm, về cách thẩm tra các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế giai đoạn tới, đại biểu cần căn cứ vào các nhận định về dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới, các kết quả thực hiện của kỳ vừa qua, các chỉ đạo, định hướng của cấp trên để có nhận xét về tính khả thi của các chỉ tiêu, nhiệm vụ kỳ tới mà UBND đề xuất.

Đối với dự toán thu, đại biểu cần căn cứ số thu ngân sách cấp trên giao, kết quả thực hiện của kỳ trước kỳ kế hoạch, các nhân tố tác động tăng, giảm số thu trong năm (phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi chính sách thu...) để quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn số cấp trên giao. Trường hợp giao số thu ngân sách địa phương cao hơn thì cần làm rõ nguồn và tính khả thi… Bằng những kinh nghiệm trên, Ban Kinh tế - Ngân sách đã giúp đại biểu HĐND thành phố có đủ căn cứ thảo luận, quyết nghị các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách tại các kỳ họp.

“Thời gian tới, bên cạnh làm tốt công tác thẩm tra, ban sẽ tích cực theo dõi, tổng hợp đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Đồng thời, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị chất vấn, giám sát, khảo sát của HĐND thành phố, làm cơ sở để tham mưu Thường trực HĐND các nội dung liên quan giai đoạn tiếp theo”, bà Hồ Vân Nga cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thẩm tra lĩnh vực kinh tế, ngân sách: Nhiều kinh nghiệm cần nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.