Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẩm phán Mỹ ngăn chặn lệnh cấm TikTok: Vẫn chưa thể ''an cư, lạc nghiệp''

Hoàng Linh| 29/09/2020 06:28

(HNM) - Chỉ vài giờ trước khi có hiệu lực, rạng sáng 28-9 (giờ Việt Nam), lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Apple, Google và một số công ty công nghệ Mỹ trong việc cung cấp ứng dụng TikTok đã bị Thẩm phán Liên bang Mỹ Carl Nichols tại Washington ngăn lại. Tuy nhiên, động thái này chưa giúp mạng xã hội thuộc Công ty ByteDance (Trung Quốc) có thể “an cư, lạc nghiệp” tại Mỹ, nơi họ có tới hơn 100 triệu người dùng.

TikTok có khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ, trong đó có 26,5 triệu người dùng thường xuyên.

Lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có hiệu lực vào 23h59 ngày 27-9 (giờ Mỹ, tức 13h59 ngày 28-9 theo giờ Việt Nam) yêu cầu các công ty công nghệ Mỹ gỡ bỏ ứng dụng TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng của mình. Trước đó, Thẩm phán C.Nichols từng yêu cầu chính quyền Mỹ cân nhắc lại lệnh cấm TikTok sau khi nhận đơn xin hoãn yêu cầu này từ ByteDance. 

Cho dù quyết định mới nhất trước mắt tiếp tục cho phép người dùng xứ Cờ hoa tải mạng xã hội TikTok từ các cửa hàng ứng dụng nhưng không ngăn chặn được biện pháp hạn chế của Bộ Thương mại Mỹ cấm mọi giao dịch đối với TikTok từ ngày 12-11-2020. Điều đó có thể khiến TikTok không thể sử dụng được tại xứ Cờ hoa. 

Giải thích về động thái trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhận định, TikTok cùng với WeChat “đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”. Trong khi đó, Tổng thống D.Trump từ lâu cũng đã coi việc cấm TikTok hoạt động tại Mỹ là cần thiết vì quan ngại những nguy cơ về an ninh. 

Đối diện với sức ép từ Washington, ByteDance từng cân nhắc một số giải pháp như giữ một phần cổ phiếu TikTok tại Mỹ hoặc thiết lập một trụ sở riêng cho “đứa con cưng” bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc… Tuy nhiên, giải pháp trọn vẹn nhất là ứng dụng này phải được bán lại cho doanh nghiệp Mỹ trước ngày 20-9-2020. Nhiều công ty công nghệ lớn của xứ Cờ hoa đã tham gia đàm phán hợp tác, nhưng chưa đạt được kết quả khả thi. Trong giao dịch được đánh giá là tiềm năng nhất, ByteDance dự định chọn Oracle làm đối tác công nghệ của TikTok, hướng tới thành lập công ty mới mang tên TikTok Global.

Theo hãng tin Bloomberg, thương vụ này cũng cho phép Oracle kiểm tra toàn bộ mã nguồn và các bản cập nhật trong tương lai của mạng xã hội này nhằm bảo đảm ứng dụng không xâm hại dữ liệu người dùng Mỹ. Tuy nhiên, sau rất nhiều trao đổi, câu chuyện TikTok tới nay chưa có giải pháp cuối cùng do Tổng thống D.Trump vẫn chưa nhất trí với một số điều khoản của thỏa thuận. 

Ngoài ra, đơn xin hợp tác với Oracle của ByteDance dù đã được đệ trình lên Bộ Thương mại Trung Quốc, nhưng giới quan sát đánh giá khả năng được thông qua là rất thấp. Từ ngày 28-8-2020, Trung Quốc đã áp dụng các quy định mới, trong đó yêu cầu mọi công ty nước này muốn xuất khẩu công nghệ sẽ phải xin phép. Đây cũng là quy định cho phép Bộ Thương mại Trung Quốc viện lý do an ninh để chặn việc bán thuật toán của ByteDance cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trong trường hợp xấu nhất là buộc phải chấm dứt hoạt động ở Mỹ, TikTok sẽ thiệt hại đáng kể khi không chỉ mất đi lượng người dùng khổng lồ mà còn cả những khoản doanh thu hấp dẫn, ước tính có thể lên tới 500 triệu USD trong năm 2020. Tuy nhiên, những khó khăn mà mạng xã hội nổi tiếng này gặp phải chỉ là một phần của những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vốn liên quan đến các công ty công nghệ lớn của quốc gia châu Á như Huawei, Tencent, ZTE… Dẫu vậy, nếu TikTok không thể xử lý vấn đề riêng bằng một chiến lược hiệu quả, những hậu quả mang tính dây chuyền trên toàn cầu có thể sẽ xảy ra trong bối cảnh mạng xã hội vốn được đánh giá là dự án khởi nghiệp thành công bậc nhất thế giới này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn ở một số quốc gia khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Mỹ ngăn chặn lệnh cấm TikTok: Vẫn chưa thể ''an cư, lạc nghiệp''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.