(HNM) - Lòng tham của con người hình thành cùng nhận thức và phụ thuộc vào nhân sinh quan của mỗi con người. Tham nhũng là hành động xuất phát từ lòng tham. Khi còn lòng tham, tất có tham nhũng.
Có nhiều định nghĩa về tham nhũng: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (định nghĩa trong Luật Phòng chống tham nhũng); tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân (định nghĩa của Tổ chức Minh bạch quốc tế); tham nhũng là sự tác động qua những quyết định không thông qua cơ chế được xã hội chấp nhận để trực tiếp hay gián tiếp giành lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người nào đó... Nhưng cũng có một định nghĩa đơn giản nhất: tham nhũng là sự thiếu liêm chính hay không trung thực khi sử dụng vị trí được tin tưởng để đoạt lấy những lợi ích bất chính... Nhìn từ góc độ xã hội, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hình thức và mức độ của tham nhũng phụ thuộc vào những thay đổi trong lòng xã hội. Xã hội càng phát triển, tệ nạn này càng gia tăng với mức độ, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Từ góc độ kinh tế, tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân, mà còn cản trở, kìm hãm sự phát triển. Còn dưới góc độ chính trị, tham nhũng thể hiện sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ công chức của chính quyền...
Nhìn từ lăng kính nào cũng có thể thấy một điểm chung: tham nhũng gắn với quyền lực và sự tín nhiệm để đoạt lấy lợi ích bất chính. Vì thế tham nhũng là sự thách thức đối với các nguyên tắc đạo đức cơ bản, nguyên tắc luật pháp và là điều không thể chấp nhận với đa số người dân dù bất kỳ ở quốc gia nào, bất kỳ môi trường xã hội nào. Chống tham nhũng là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Chống tham nhũng cũng là cuộc chiến cam go vì mục tiêu xã hội công bằng và tiến bộ. Không chỉ phải đối mặt với những nhóm lợi ích có quyền lực, chống tham nhũng cũng có nghĩa là phải đấu tranh và chiến thắng lòng tham của con người. Do vậy, đây là cuộc chiến không hề đơn giản.
Có quyền lực thì bao giờ cũng có nguy cơ lạm quyền. Vậy nên, để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, cần thiết phải hiểu rõ điều gì đã là động cơ dẫn tới các hành vi tham nhũng. Tham nhũng trên thế giới luôn là căn bệnh xã hội trầm kha. Ở nước ta, tham nhũng là một nguy cơ, là thách thức lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang quyết liệt chống tham nhũng để làm lành mạnh xã hội.
Trước hết, tham nhũng xuất phát từ công quyền, gắn với Nhà nước và các hoạt động của Nhà nước, là hành vi vi phạm các nguyên tắc công minh, vơ vét bổng lộc và phung phí tiền bạc. Những khiếm khuyết của thể chế chính là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng phát triển. Đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, cơ hội mở ra nhưng thách thức cũng tăng lên. Văn hóa phương Tây với lối sống "thực dụng", "chủ nghĩa đồng tiền", "luật" trao đổi sòng phẳng của kinh tế hàng hóa từng bước xâm nhập vào đời sống, đan xen, dung hợp với quan điểm cũ kỹ, hủ bại "học để làm quan", "làm quan để phát tài" tạo ra những vòng xoáy của ma lực đồng tiền. Tiền bạc - quyền lực nhân lên cùng những hành vi bất chính được thực hiện bằng những "ma thuật" luồn lách trong cơ chế còn nhiều bất cập của thời kỳ chuyển đổi.
Lòng tham vượt qua những rào cản đạo đức, không ít cán bộ công chức lún sâu vào xa hoa, mờ mắt trước tiền bạc, danh vọng. Tệ nạn tham nhũng nhanh chóng trở thành thứ dịch bệnh ăn mòn đạo đức xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và làm mất lòng tin của nhân dân, của doanh nghiệp với chính quyền. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã được lôi ra ánh sáng pháp luật như: Vụ PMU 18, PCI, Đề án 112... Nhiều cán bộ đã phải đứng trước vành móng ngựa. Tổn thất về kinh tế cho Nhà nước không chỉ nhiều tỷ đồng, mà hệ lụy của các vụ tham nhũng này không thể khắc phục trong một vài năm và gánh nặng ấy đang trút lên xã hội. Đó là những vụ tham nhũng đã được định danh - những vụ tham nhũng lớn. Tham nhũng loại này đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến những thỏa thuận quy mô lớn, thường được thực hiện bởi những người có chức, có quyền trong các tổ chức của Nhà nước và tư nhân. Và đây cũng chỉ là một nửa của tảng băng chìm.
Một loại tham nhũng khác không kém nguy hại xuất phát từ lòng tham vặt và tư tưởng méo mó "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", từ quan niệm sống đã trở thành phổ biến "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu". Loại này ngày nay được định danh là "tham nhũng vặt". Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày qua các giao dịch bình thường trong xã hội. Đôi khi nó chỉ là những món quà để đổi lấy sự châm chước, sự ưu tiên hay những khoản hối lộ "nho nhỏ" như: nhân viên các cơ quan công quyền các cấp gây khó dễ đối với người dân đến giao dịch để nhận tiền "bồi dưỡng", "tiền trà nước"; Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được "thông cảm" bằng vài trăm nghìn đồng; Cảnh sát giao thông đứng chờ một chỗ nhất định trên quốc lộ yêu cầu dừng tất cả các xe tải, xe khách để thu mãi lộ một vài trăm nghìn đồng/xe. Việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải có quà cáp hoặc có quan hệ mới xong. Chuyện sinh viên đưa phong bì cho thầy, cô để xin điểm, để hỏi đề thi..., tệ hại hơn chạy trường, chạy lớp, chạy hội đồng chấm luận văn, các hội đồng xét duyệt đề tài khoa học không còn "xưa nay hiếm". "Lót tay" ở bệnh viện đã thành "chuyện thường ngày". Muốn có một phòng điều trị cho người nhà không thể không có tiền "trà nước" cho người làm công tác này, muốn cho cô y tá nhẹ tay tiêm, hay thay tấm gạc không thể thiếu mấy chục nghìn đồng bởi lệ như thế, không thể không làm thế. Nhiều trường hợp tiền viện phí chỉ bằng một nửa "lệ phí"... Rồi nữa, làm thủ tục tại cơ quan nhà nước cũng không ít nhiêu khê. Chuyện nộp xong bị trả về làm lại, lại nộp, lại làm lại... xảy ra với không ít người, nhưng nếu kín đáo kẹp mấy trăm nghìn đồng vào hồ sơ, cơ sự có thể khác. Nộp hồ sơ “một cửa” cũng có thể bị từ chối, nếu có thể được nhận thì "một cửa" cũng trở thành "nhiều cửa", bởi mỗi lần đến hẹn lại được nhân viên hướng dẫn phải làm thêm một loại giấy tờ mới... Chuyện làm "sổ đỏ" phức tạp hơn nhiều, đương nhiên số tiền "lót tay" cũng phải nhiều hơn và không chỉ riêng với cán bộ địa chính.
Điều đáng nói là không chỉ người công tác trong bộ máy hành chính mới tham nhũng vặt và có cơ hội tham nhũng. "Cò" bệnh viện, "cò"giấy tờ chỉ là anh xe ôm, chị hàng nước cũng có thể kiếm được hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày nhờ đi đêm với "người trong cuộc". "Cò" nhà đất có khi chỉ là anh nông dân chân đất, chị nhân viên quèn của huyện, xã với những mối dây "liên kết", họ kiếm được từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng cho mỗi phi vụ. Theo một nhà kinh tế, chỉ một nhóm "cò" đất bằng con đường hối lộ đã thao túng cả "bộ sậu" lãnh đạo cấp quận, huyện. "Cò" đã trở thành một thứ nghề công khai trong xã hội và nghề ấy sống bằng tham nhũng...
Loại tham nhũng như vừa nói ở trên xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau.
Tham nhũng vặt mà biểu hiện của nó là "văn hóa phong bì" đã len vào những ngõ ngách của cuộc sống. Với tư duy "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" người ta lặng lẽ công nhận thứ văn hóa này. Thậm chí với nhiều người nó là biểu hiện của ứng xử khôn ngoan. Do đó tham nhũng vặt đang diễn ra từng ngày, từng giờ, không chỉ làm băng hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền. Tệ nạn này hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức và làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực hội nhập với thế giới. Tham nhũng vặt là một yếu tố làm tăng "áp suất" của những bức xúc xã hội, do vậy, trên nhiều khía cạnh, nó nguy hại như tham nhũng lớn.
Nhận diện tham nhũng như quốc nạn, gắn với sự tồn vong của chế độ, công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng. Một chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng được hình thành, bộ máy phòng, chống tham nhũng đang từng bước được kiện toàn, hàng loạt giải pháp đã được tiến hành đưa Luật Phòng, chống tham nhũng thật sự vào cuộc sống... Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận: công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cơ quan chức năng chú trọng vào việc hoàn thiện thể chế, tập trung vào những vụ tham nhũng lớn, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến "tham nhũng vặt" - một loại hình đặc biệt nguy hại, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Vấn đề cấp thiết hiện nay là công tác phòng, chống tham nhũng cần được xác định với một quyết tâm và yêu cầu mới, nhằm đạt được những kết quả rõ rệt hơn. Đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
Phòng, chống tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, của các cơ quan chức năng trong bộ máy công quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và mỗi người dân. Tham nhũng xuất phát từ lòng tham, nếu các doanh nghiệp và người dân dung dưỡng cho lòng tham ấy, hoặc dựa trên sức mạnh đồng tiền để đạt được mục đích thì chính họ đã góp phần làm tha hóa xã hội. Như thế, họ vừa là nạn nhân trực tiếp vừa là thủ phạm của tệ nạn tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.