Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầm lặng lính công binh

Nguyên Hoa| 07/01/2015 06:30

(HNM) - Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, kẻ thù đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống Hà Nội. Ngày nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bom, đạn chưa phát nổ nằm dưới lòng đất.

Tai nạn do bom mìn gây ra luôn để lại hậu quả nặng nề. Nhiều người dân Hà Nội vẫn không quên vụ nổ bom bi xảy ra ngày 8-10-2012, tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, làm một công nhân chết tại chỗ, hai công nhân bị thương. Để hạn chế xuống mức thấp nhất tai nạn từ bom mìn, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ ngành công binh thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phát hiện, xử lý nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh. Tiêu biểu, tháng 12-2012, nhận được tin báo của nhân dân, các chiến sĩ công binh xử lý thành công quả bom có trọng lượng 910kg, chiều dài 2,5m, đường kính 0,5m tại thôn Quán, xã Châu Can (Phú Xuyên). Đến tháng 6-2013, các anh lại xử lý an toàn quả bom có trọng lượng 340kg do máy bay Mỹ ném xuống năm 1968 nằm sâu 4m dưới lòng đất tại cánh đồng thôn Cao Trung, xã Đức Giang (Hoài Đức). Lần khác, trong lúc cuốc đất làm vườn anh Nguyễn Văn Thành, thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng (Đông Anh) đã phát hiện mảnh đất nhà mình có bom. Nhận được tin báo, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 544, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã kịp thời có mặt, xử lý thành công 610 quả bom bi…

Lính công binh xử lý bom mìn sót lại sau chiến tranh.


Đại tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Công binh (Bộ Tư lệnh Thủ đô) cho biết: "Những người lính trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ như chúng tôi luôn trăn trở, tự nhủ mỗi người phải cố gắng hơn nữa trong công việc chuyên môn nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân". Hiện nay, trong lòng đất, hay ở dưới đáy kênh, ao đầm và các khu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn còn sót lại nhiều bom, đạn nằm ở các độ sâu khác nhau chưa được tìm và xử lý. Khi vô tình tác động vào, chúng vẫn có thể gây nổ, gây sát thương cho người, làm hư hỏng phương tiện thi công, phá hoại công trình.

Cùng với sự phát triển đô thị hóa, dấu vết bom, đạn trên thực địa đã bị san lấp nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công binh mang tính đặc thù, đó là công việc nặng nhọc, thầm lặng, yêu cầu độ an toàn và tính bảo mật cao, liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản nhân dân và tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Trong mỗi lần đi làm nhiệm vụ, lãnh đạo Phòng Công binh đều trực tiếp kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm, đưa ra phương án xử lý. Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ luôn nhận thức rõ tính chất nguy hiểm công việc, tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn nghiêm ngặt. Với phương châm "đột phá" vào việc khó, toàn lực lượng đã chủ động học hỏi các đơn vị bạn, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, trong những năm qua, công tác rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh của Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối. Từ năm 2008 đến nay, đơn vị đã dò tìm, làm sạch trên 170ha đất ô nhiễm bom mìn trên địa bàn thành phố thuộc 32 dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; dò tìm, phát hiện, xử lý an toàn trên 1.500 quả bom các loại bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh là một quá trình lâu dài bền bỉ, đòi hỏi phải có kế hoạch chặt chẽ, tỉ mỉ nhằm giảm thiểu tai nạn, rủi ro. Khi thực hiện nhiệm vụ là đối mặt sự nguy hiểm, do vậy, người lính công binh phải xử lý công việc bằng trí tuệ và kỹ thuật cao, không được phép sai sót dù chỉ một ly. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, nguy hiểm, nhưng qua thử thách, những người lính công binh thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thực sự dày dạn, trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng lính công binh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.