(HNM) - Ngày 28-1-2010, 25 năm sau khi con tàu vũ trụ Challenger nổ tung trên không trung, hàng trăm người đã tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida để tưởng niệm sự kiện đau buồn đã đi vào lịch sử hành trình chinh phục không gian của nước Mỹ.
Hơn 20 năm trước, hàng triệu người khắp thế giới đang theo dõi thời khắc con tàu Challenger bay vào không gian với nhiệm vụ triển khai một số thiết bị quan sát lên quỹ đạo, phóng thiết bị theo dõi sao chổi Halley và tiến hành dự án "Giáo viên trong không gian" nhằm tôn vinh các nhà giáo, khuyến khích sinh viên, học sinh tìm hiểu về khoa học và công nghệ vũ trụ. Nhưng khi vệt khói trắng bất thường xuất hiện trên bầu trời vào giây thứ 64, mọi người bắt đầu nhận thấy có chuyện gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra với Challenger. Sau đó 9 giây, con tàu tách làm đôi trước khi vỡ vụn ở độ cao 14.000m, toàn bộ 7 thành viên phi hành đoàn vĩnh viễn ra đi. Trong số đó có Christa McAuliffe, một cô giáo tại Trường Trung học Concord, New Hampshire, người được chọn từ 11.000 ứng viên để trở thành giáo viên đầu tiên được lên vũ trụ.
Các nhà điều tra vào cuộc để xác định nguyên nhân gì khiến lần khởi hành vào không gian thứ 10 của Challenger biến thành thảm họa. Người ta xác định rằng cái lạnh là nguyên nhân của tai nạn khủng khiếp. Các trụ băng bám quanh tháp phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy được chụp lại cho thấy vụ phóng tàu Challenger diễn ra trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ C, lạnh nhất trong lịch sử các phi vụ tương tự của NASA. Trước đó, chuyến đi cũng đã phải hoãn lại vài ngày vì trời quá lạnh giá. Giá rét đã khiến vòng đệm của tên lửa đẩy gặp sự cố, bình nhiên liệu gắn ngoài con tàu bị vỡ làm toàn bộ khí hidro cũng như oxy phát tán ra bên ngoài. Khi hai chất trộn lại, chúng tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trên không trung và làm con tàu tách khỏi thùng chứa nhiên liệu nên không thể có được lực đẩy cần thiết. Động cơ phía đuôi và động cơ chính bị rời ra. Cabin của phi hành đoàn và phần trước tàu rời hẳn khỏi khoang chứa đồ rồi vỡ nát khi lao xuống mặt biển với vận tốc khoảng 300 km/h.
Sự cố Challenger đã khiến NASA nhận thấy sự cần thiết phải nâng cao khả năng của các thiết bị để bảo vệ sự an toàn cho con người. Tháng 10-1988, NASA mới nối lại chương trình đưa người lên vũ trụ với việc phóng tàu con thoi Discovery. Song năm 2003, một thảm họa tương tự lại xảy đến khi tàu Columbia vỡ vụn trong lúc trở về trái đất vì gặp trục trặc với bộ phận nhiệt làm toàn bộ 7 nhà du hành vũ trụ hy sinh. Hai năm sau, cựu Tổng thống Mỹ Bush thông báo tạm hủy bỏ chương trình phóng tàu con thoi lên vũ trụ. Tuy nhiên không thể phủ nhận các cuộc thám hiểm không gian đã tạo nên danh tiếng và thể hiện vai trò của nước Mỹ trên thế giới.
Từ năm 1981 đến 1986, đã có hơn 20 vụ phóng tàu con thoi thành công từ trung tâm vũ trụ ở mũi Canaveral. Đó là nguồn cảm hứng đưa đến quyết định khởi hành chuyến bay định mệnh của Challenger. Mặc dù vậy, đây không phải là thảm họa vũ trụ đầu tiên của người Mỹ. Theo NASA, tổng cộng đã có 24 người thiệt mạng khi tham gia nhiệm vụ thám hiểm không gian mới mẻ nhưng cũng đầy hiểm nguy của Mỹ kể từ năm 1964. Năm 1967, toàn bộ 3 thành viên phi hành đoàn trên tàu Apollo 1 đã thiệt mạng khi khoang điều khiển của con tàu bốc cháy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.