(HNMO) - Khi một ngôi sao lớn kết thúc cuộc đời, nó không ra đi yên lặng trong đêm. Thay vào đó, nó nổ tung trong một siêu tân tinh dị thường khiến ngôi sao bị xé thành nhiều mảnh và khiến các nhà khoa học sau đó phải mất hàng thập niên, thậm chí là thế kỷ, để nghiên cứu về những tàn dư của nó.
Các nhà thiên văn học đã sử dụng kính viễn vọng rất lớn (VLT) của Đài quan sát miền nam châu Âu để giúp chúng ta có thể khám phá được cấu trúc 3D của những tàn dư của một siêu tân tinh gần đây, siêu tân tinh được đặt tên là SN 1987A. Và kết quả này cho thấy, vụ nổ chỉ tạo ra một thứ hỗn độn như chúng ta từng nghĩ.
Do chúng ta không thể khiến một ngôi sao tiến tới siêu tân tinh tại vị trí thuận lợi đối với chúng ta nên các nhà thiên văn học đã làm nổ những ngôi sao mô hình trên máy tính để nghiên cứu các chi tiết phức tạp về nó. Qua thời gian, những mô hình giả cách này cho thấy, siêu tân tinh không vận hành theo lối cân xứng.
Thay vào đó, những khối kết cấu lớn thiếu bền vững khi ngôi sao tự phá hủy nó đã tạo ra những vụ nổ không cân xứng. Những tàn dư của siêu tân tinh cho thấy bằng chứng về những sự mất cân đối này, dẫu rằng vụ nổ chính đã xảy ra từ hàng trăm năm trước.
Năm 1987, một ngôi sao lớn nhưng bình thường ở Đám mây Magellanic lớn đã kết thúc sự sống của mình bằng một vụ nổ lớn, gây hứng thú cho các nhà thiên văn học toàn cầu khi giờ đây họ có thể nghiên cứu một siêu tân tinh từ khi còn sơ khai. Sử dụng VLT, nhóm các nhà khoa học do ông Karina Kjaer đứng đầu đã vạch ra được tốc độ của khí gas nhờ sử dụng một công nghệ gọi là quang phổ tích phân. Họ đã đo đạc cẩn thận sự chuyển động dọc theo tầm nhìn của chúng ta tại mỗi điểm bằng cách nhìn vào sự thay đổi sắc đỏ hay xanh của các dòng phát ra trong tia hồng ngoại.
Những quan sát mới trên cho thấy những vật chất phóng ra từ tận cùng của ngôi sao hay những vật chất bị bỏ lại sau vụ nổ quả thực không hề cân xứng, như thế đã có một sự không ổn định ngay từ đầu và điều này đã xác nhận những dự báo từ các mô hình. Và sự thống nhất này cũng chính xác là những gì mà ngành khoa học cần để có thể tiến lên phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.