(HNMO)- Thành lập từ năm 1993, Trung tâm (TT) cứu hộ linh trưởng trường QG Cúc Phương là TT đầu tiên tại khu vực Đông Dương và Việt Nam. Nơi đây hiện đang cứu hộ, nuôi giữ khoảng 150 cá thể thuộc các nhóm loài đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã.
Trung tâm (TT) cứu hộ linh trưởng trường QG Cúc Phương hiện đang cứu hộ, nuôi giữ khoảng 150 cá thể thuộc 3 nhóm loài: voọc, culi và vượn mà đa số chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã.
Được thành lập từ năm 1993, TT là kết quả hợp tác giữa Việt Nam với Hội Động vật học Frank Furt (Đức). Đây cũng là TT đầu tiên tại khu vực Đông Dương và Việt Nam được thành lập với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu và cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng, giúp chúng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.
Voọc “quần đùi trắng”, biểu tượng của vườn QG Cúc Phương. Được phát hiện trên một con tem cổ của Việt Nam, cho tới những năm 1930, các chuyên gia Đức đã tìm kiếm được cá thể này đầu tiên ở rừng Quốc Phương. Đây là một loài quý hiếm, chỉ phân bố ở Việt Nam và được bảo vệ trên toàn cầu
Lá cây là thức ăn duy nhất của loài voọc. Mỗi ngày số thú của TT “ngốn” từ 300- 400 kg lá, thuộc hơn 100 loài cây. Nguồn thức ăn này được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái. Vườn thực vật, vườn ươm với hơn 360 loài, là nơi bảo tồn các nguồn gen thực vật quý hiếm của Cúc Phương và Việt Nam
Đàn voọc chà vá chân đen được sinh trưởng tại Trung tâm.
Vượn mẹ đang cho con bú. Do trong nuôi nhốt, vượn là loài hung dữ nên khách tham quan không được phép tới gần chuồng, cũng là để tránh nguy cơ chúng có thể truyền bệnh cho người và ngược lại.
Thức ăn của loài vượn còn có thêm hoa quả
Tiến sĩ Tilo Nadler, giám đốc TT trực tiếp giới thiệu cho đoàn khách nước ngoài. Nhiều người vẫn gọi ông là “linh trưởng chúa” bởi tình yêu đối với rừng Việt Nam và các loài linh trưởng đã giúp ông gắn bó với nơi này gần 20 năm qua.
Khu vực nuôi nhốt bán hoang dã tại trung tâm được ngăn cách bởi hệ thống lưới điện từ năng lượng mặt trời. Đây được coi là nơi “tập huấn” cho các loài thú trước khi được thả về với tự nhiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.