(HNM) - Những ngày này, lượng du khách quốc tế đến Thái Lan ngày một đông khi đất nước Chùa Vàng đang chuẩn bị chào đón tết cổ truyền SongKran với điểm nhấn là lễ hội té nước nổi tiếng diễn ra từ ngày 13 đến 15-4.
Ngành "công nghiệp không khói" của nước này vừa được tiếp thêm động lực để phục hồi mạnh mẽ hơn nữa khi nhà vua Bhumibol Adulyadej đã thông qua đề xuất dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật, được áp đặt trên cả nước kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014.
Thực tế cho thấy, việc áp đặt tình trạng thiết quân luật với nhiều quy định an ninh nghiêm ngặt, đặc biệt tại thủ đô Bangkok đã phần nào ảnh hưởng đến ngành du lịch của nước này. Thời gian qua các hoạt động du lịch và dịch vụ đất nước Chùa Vàng đang dần được khôi phục sau nhiều chiến dịch giành lại lòng tin và chào mời khách du lịch của chính phủ. Tuy nhiên, các công ty du lịch, những đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi tình trạng thiết quân luật sau nhiều tháng biểu tình dẫn đến đảo chính, đã không ngừng hối thúc chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dỡ bỏ thiết quân luật, đặc biệt ở những khu vực thu hút nhiều du khách. Vì thế, việc gỡ bỏ thiết quân luật trên khắp cả nước tuần qua được các nhà điều hành du lịch lữ hành ở Thái Lan đón nhận như một tin vui.
Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp du lịch ở Thái Lan thường đóng góp khoảng 10% cho tăng trưởng kinh tế ở nước này. Tuy nhiên lượng khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan năm qua không đạt được chỉ tiêu đề ra do vấn đề an ninh. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu sẽ đón khoảng 25 đến 27 triệu du khách và đạt doanh thu khoảng 2.200 tỷ baht (tương đương 67 tỷ USD) trong năm nay. Đặc biệt, mục tiêu này được xác định cụ thể cho từng khu vực. Ví dụ khách ASEAN sẽ vào khoảng 7 triệu người trong khi khách Trung Quốc khoảng 5 triệu người trong năm nay. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự kiến sẽ đón khoảng 7 triệu khách Châu Âu trong năm nay với doanh thu vào khoảng 505 tỷ baht.
Để đạt được những con số tham vọng trên, Chính phủ Thái Lan đang thực hiện nhiều chiến lược thu hút khách và động viên người dân nước này đi du lịch nội địa. Trong đó, đáng chú ý là chiến dịch kích cầu du lịch mang tên "2015 Discover Thainess" quảng bá thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của người Thái và giao lưu lối sống hạnh phúc của người dân địa phương với khách nước ngoài. Từ đầu năm đến nay Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng đã cho triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch cụ thể, tập trung nhấn mạnh về cuộc sống và văn hóa của người Thái cũng như trải nghiệm thực tế ở đất nước Chùa Vàng. Chương trình này cũng được triển khai mở rộng tới thêm 12 tỉnh, ngoài 10 tỉnh, thành phố từng được triển khai nhiều chương trình du lịch từ trước tới nay. Chiến dịch cũng nhằm mục tiêu hướng tới 37 thị trường du lịch lớn của Thái Lan, đặc biệt là ở Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông.
Để duy trì tốc độ phát triển mạnh, Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng đẩy mạnh việc tham gia các hội chợ du lịch và chiến dịch quảng bá tại các thị trường trọng điểm. Không dừng lại ở đó, Thái Lan hiện đang được xây dựng để trở thành điểm đến của các kỳ nghỉ trăng mật, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cuối tuần. Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul cho biết: "Việc triển khai chiến dịch kích cầu du lịch có ý nghĩa quan trọng, vì nó sẽ khuyến khích mở rộng hợp tác phát triển về du lịch trong ASEAN, đặc biệt là khi khu vực này trở thành một Cộng đồng chung vào cuối năm nay".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.