(HNM) - Thị trấn Mae Hong Son, nằm ở vùng Tây Bắc Thái Lan không chỉ được biết đến là
Hình ảnh người phụ nữ "cổ dài" với những chiếc vòng thu hút sự quan tâm của du khách.
Những người phụ nữ này thuộc dân tộc Padong (còn gọi là Kayan). Khoảng hơn 20 năm trước họ đã di cư từ Myanmar đến đây sinh sống. Tuy nhiên họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là nét đẹp của chiếc cổ dài. Theo phong tục truyền thống của người Padong, ngay từ khi lên 5, các cô gái đã phải đeo nguyên bộ vòng 9 cái vào cổ. Bốn năm sau lại thay bộ 9 cái và cứ như vậy vào 9 dịp khác nhau. Lần thay cuối cùng là khi người phụ nữ 45 tuổi. Số vòng và trọng lượng tùy thuộc vào sự lựa chọn của cô gái, nhiều nhất là 32 chiếc vòng với tổng trọng lượng từ 13kg đến 15kg.
Trước đây chỉ có những cô gái ở Padong sinh vào ngày thứ tư, lúc trăng tròn thuộc bộ tộc Padong mới có quyền đeo vòng cổ. Và nếu cô từ chối sẽ bị trục xuất ra khỏi làng và phải sống trong nhục nhã và đau khổ cho đến lúc chết vì cô đơn. Tuy nhiên ngày nay phụ nữ Padong có quyền tự do đeo vòng cổ hay không tùy thích. Để làm vệ sinh cho vòng cổ được sáng bóng, hằng ngày, khi tắm họ chà rửa bộ vòng bằng chanh rất cẩn thận.
Theo phong tục, người phụ nữ "cổ dài" luôn để mái tóc dài. Khi búi tóc, đầu tiên họ sẽ cột tóc ở vị trí cao gần trên đỉnh đầu, ghim cây trâm vào giữa chùm tóc. Tiếp theo là đâm xuyên một số cây trâm ngang qua chùm tóc rồi búi cả chùm tóc vào các cây trâm. Sau đó, họ dùng những mảnh khăn có màu sắc khác nhau choàng lên đầu. Tộc người này rất chú trọng đến việc búi tóc. Tóc họ cần phải được trang trí thật đẹp và búi cao để lộ sự quyến rũ của chiếc cổ dài và bộ vòng cổ.
Thực tế những chiếc vòng này không có tác dụng kéo dài cổ mà làm cho xương bả vai bị ép xuống, khiến người ta có cảm giác những người phụ nữ này có "cổ dài" như cổ phượng hoàng. Nhưng nếu tháo vòng ra, cổ họ có thể bị gãy bởi xương cổ đã quá yếu. Đây cũng là một hình phạt đối với những người phụ nữ ở bộ tộc này mỗi khi họ mắc sai lầm nghiêm trọng. Những người phụ nữ cho rằng, họ hoàn toàn có thể chấp nhận được tập tục này. Nhưng khổ nhất là vào mùa hè, khi những chiếc vòng cổ nóng như thiêu như đốt. Những lúc như vậy, họ đành phải xuống sông ngâm mình để những chiếc vòng đồng nguội bớt, nếu không cho dù trời có mát hơn một chút thì những chiếc vòng bị mặt trời hun nóng vẫn làm họ cảm thấy khó chịu.
Ngoài mục đích làm đẹp, những chiếc vòng này còn được xem là biểu tượng của sự giàu có, vì tổ tiên cho rằng họ là con cháu của chim phượng hoàng, do đó phần cổ phải dài mới đẹp. Nhờ bản sắc văn hóa đặc trưng này mà tộc người "cổ dài" ở Thái Lan luôn gây được sự chú ý cho mọi người. Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này, hầu hết các chương trình du lịch đến miền Bắc Thái Lan không thể thiếu chuyến thăm làng "cổ dài".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.