Nằm trên trục đường từ ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc chạy một mạch gần như kẻ chỉ ngót 1000m đến đường Láng Hạ, điểm dừng cuối cùng là Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phố Thái Hà trẻ trung, tươi tắn như một chàng trai tràn đầy sức lực, khát vọng.
Nằm trên trục đường từ ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc chạy một mạch gần như kẻ chỉ ngót 1000m đến đường Láng Hạ, điểm dừng cuối cùng là Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phố Thái Hà trẻ trung, tươi tắn như một chàng trai tràn đầy sức lực, khát vọng. Nằm trọn trong địa phận ấp Thái Hà cũ, phố Thái Hà thật sự là điểm dừng chân lý tưởng của các thương nhân, dịch vụ thời internet.
Cách đây không lâu, khoảng mươi năm, nơi này chỉ là một bãi đất hoang, phía sau bức tường của Nhà máy xe đạp Thống Nhất, và một cụm dân cư chỉ có dăm bẩy nóc nhà, tiếp giáp là con đường nhỏ, chứng tích còn lại của khu lăng Hoàng Cao Khải. Ngày ấy, người ta đã khơi một con mương nối với dòng sông Tô Lịch ở bên đường Láng để vận chuyển vật liệu về xây dựng làng. Con mương đó dần dần bị phủ lấp và hai bên bờ mương đã trở thành lối đi.
Ðể đáp ứng nhu cầu phát triển của thủ đô, chính quyền thành phố đã quyết định làm con đường nối giữa đường Chùa Bộc xuyên qua Nhà máy xe đạp Thống Nhất, chạy cắt ngang ấp Thái Hà đến tận đường Láng Hạ nối với phố Huỳnh Thúc Kháng đến Láng Trung, (nay là phố Nguyễn Chí Thanh). Ðường Thái Hà hình thành từ đó.
Nơi bắt đầu của phố Thái Hà là một dãy ki-ốt bán các loại xe đạp. Ban đầu đa phần là xe đạp Trung Quốc, dần dần có các loại xe Viha của Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Ðến giờ, thị phần xe Việt Nam đã chiếm 100% với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, hợp túi tiền. Vào những dịp khai giảng năm học mới, phố Thái Hà trở thành “siêu thị xe đạp”, đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng, không chỉ ở Hà Nội mà cả các tỉnh lân cận.
Các cửa hàng dịch vụ đua nhau mọc lên, từ cửa hàng áo cưới đến các cửa hiệu điện thoại di động và nhất là văn phòng của các công ty trong và ngoài nước, tạo nên một sắc thái mới cho phố Thái Hà. Vào buổi tối lên đèn, Thái Hà sầm uất, đô hội, rực rỡ,ä nhộn nhịp như một siêu thị lớn.
Giữa phố, ở đầu ngõ Ao Cây Dừa cũ, mấy năm trước nổi lên một hiệu cà phê Ðắng rất đông khách. Toạ lạc trên khu đất rộng khoảng 300 mét vuông, hiệu cà phê này có một cấu trúc rất khác lạ. Bước vào quán, người ta có cảm giác như bước chân vào một vườn cổ tích bởi những vòm đá , hang hốc và những bộ bàn ghế bằng gốc cây rất đặc biệt.
Thời gian gần đây, Ðài truyền hình Hà Nội và VTV2 đã liên tục giới thiệu một hàng miến lươn của phố Thái Hà. Ðây là một món ăn đặc sắc của Hà Nội xưa đã được truyền lại đến ngày nay. Món ăn đặc sắc này vốn không phải của phố Thái Hà mà nó được một nàng dâu đưa từ gia đình mẹ đẻ ở trên phố Mai Hắc Ðế về cùng chồng xây dựng cơ nghiệp.
Ai có dịp đi bộ trên đường phố Thái Hà luôn bắt gặp từng tốp, từng tốp những chàng trai cô gái trẻ tươi tắn trong bộ đồng phục rất đẹp, trước ngực đeo phù hiệu của công ty mình đang làm việc, sẵn sàng phục vụ khách khi bước vào nhà hàng, khách sạn. Không khí làm việc ở đó khẩn trương nhưng không hấp tấp vội vàng, rất tháo vát và đĩnh đạc.
Cuối phố, nơi gặp gỡ với Láng Hạ là Trung tâm chiếu bóng Quốc gia, nơi sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật thứ 7 lớn nhất thủ đô, càng tô điểm thêm cho phố Thái Hà thêm lộng lẫy.
Theo KTĐT
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.