(HNM) - Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 mới được Tổng cục Thống kê công bố, cả nước có 517.900 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu so với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, bình quân trong giai đoạn năm 2017-2020 mỗi năm phải có thêm 120.000 doanh nghiệp ra đời...
TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Bá Hoạt |
Tăng nhanh, nhưng chưa vững
Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, cả nước có 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng hơn 51% so với năm 2012. Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhưng so với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, thì vẫn còn khoảng cách khá xa.
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), để đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp, trung bình mỗi năm (từ 2017 đến 2020) phải có thêm khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới, với điều kiện không có thêm doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đây là thách thức đòi hỏi nỗ lực rất lớn, bởi ước tính bình quân mỗi năm có khoảng 12.000 đơn vị phá sản, giải thể bên cạnh số thành lập mới.
Có thể nhận diện bức tranh doanh nghiệp bằng số liệu trong 3 năm gần đây, với những tiêu chí quan trọng nhất gồm: Số đơn vị thành lập mới, tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc quay lại hoạt động. Trong đó, năm 2016 cả nước có 110,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới nhưng có 12.478 doanh nghiệp giải thể, 60.667 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, có 26.689 doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Năm 2017, nền kinh tế có thêm 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong khi đó cũng có 60.553 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 12.113 đơn vị giải thể, 26.448 doanh nghiệp quay lại hoạt động.
8 tháng năm 2018 đã có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có 63.235 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 9.135 doanh nghiệp giải thể. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp mới luôn ra đời nhưng cũng có không ít rút khỏi thị trường - kết quả của quá trình chọn lọc, cạnh tranh khốc liệt.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, dù đội ngũ doanh nghiệp trong nước đã mạnh lên, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, và xuất hiện một số doanh nghiệp quy mô lớn; nhưng nhìn chung đến nay vẫn thiếu vắng thương hiệu đủ sức mạnh làm "đầu tàu" để dẫn dắt, quy tụ, thúc đẩy các đơn vị khác cùng phát triển...
Minh chứng là hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp tham gia gia công, lắp ráp cho đối tác nước ngoài, nhưng mức thu về chỉ đạt 8,6 tỷ USD (số liệu điều tra kinh tế năm 2017). Điều này thể hiện tình trạng phụ thuộc của doanh nghiệp nội vào đơn hàng, mẫu mã, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp ngoại; cho thấy doanh nghiệp nội "chậm lớn", chưa thể sánh tầm với doanh nghiệp khu vực và thế giới.
Ngoài ra còn phải kể đến tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh do lo ngại các thủ tục về thuế cũng như các quy định pháp luật. Việc triển khai cụ thể tại các địa phương cũng còn những bất cập, chưa đồng đều hoặc nội dung hỗ trợ chưa hấp dẫn.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, nếu không có những giải pháp cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ rất khó đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Kiên trì, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, đặc biệt khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm thúc đẩy, nhân lên mô hình, nhân tố mới; kích đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ, các địa phương tiếp tục khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo đó, các hỗ trợ sẽ tập trung vào những nội dung như phí, thuế, tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực...
Sản xuất hàng kim khí tại doanh nghiệp tư nhân Phương Nam (huyện Thạch Thất). Ảnh: Linh Ngọc |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. Theo đó, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cao độ cho việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp. Ở góc độ địa phương, một số tỉnh, thành phố đã chủ động làm tốt chủ trương trên. Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Hà Nội trong nhóm đi đầu, thể hiện qua việc ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn đến năm 2020.
Trong đó, kể từ ngày 1-8, các doanh nghiệp thành lập mới đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp được hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, với mức 300.000 đồng/doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí làm con dấu pháp nhân cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, với mức không quá 300.000 đồng/doanh nghiệp. Thành phố cũng hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp thành lập mới nếu có nhu cầu nhận kết quả tại nhà, hoặc trụ sở làm việc...
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia ý kiến, đề xuất những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm chi phí trong đăng ký thành lập mới, hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; áp dụng hóa đơn điện tử miễn phí đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua dịch vụ từ các đại lý thuế và nghiệp vụ kế toán...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 15-6-2018) về tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những yêu cầu cụ thể, thiết thực nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.