(HNM) - Di tích quốc gia đặc biệt là những di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng trên cơ sở lựa chọn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng. Với tính chất hết sức quan trọng, di tích quốc gia đặc biệt đặt ra nhiều yêu cầu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị - những vấn đề vừa là mục tiêu, vừa là thách thức cho các địa phương sở hữu di sản, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Những tồn tại, vướng mắc
Sau đợt xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (tháng 1-2022), cả nước hiện có 123 di tích ở danh mục này, trong đó Thủ đô Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với 21 di tích, cụm di tích được ghi danh, chiếm 1/2 số di tích quốc gia đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và 1/6 di tích quốc gia đặc biệt trên cả nước. Đây là niềm tự hào của Hà Nội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trước hết là tình trạng xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng đang diễn ra tại nhiều di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội. Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) là một ví dụ. Được khởi dựng từ thời Lê, chùa Tây Phương dù thường xuyên được quan tâm bảo tồn, tôn tạo song vẫn khó ngăn chặn hết những tác động của thời gian, khí hậu. Trụ trì chùa Tây Phương - Ni sư Thích Đàm Thủy cho biết, mái chùa Hạ bị xô lệch, thấm dột. Chùa Thượng và chùa Trung bị mối mọt nghiêm trọng, nhiều cấu kiện gỗ bị ăn mòn từ chân tới điểm nối, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ cục bộ; nhiều pho tượng cổ bị mối đục, tróc sơn loang lổ.
Tình trạng di tích xuống cấp cũng xảy ra với nhiều di tích quốc gia đặc biệt khác ở Thủ đô, như: Chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, sau thời gian dài khai thác, nhiều hạng mục tại di tích đã có dấu hiệu xuống cấp, trong đó có những hạng mục gốc, rất quan trọng, như: Khuê Văn Các, điện Đại Thành… hay hệ thống tường gạch cổ. “Vì đây là di tích quốc gia đặc biệt, nhiều hạng mục là biểu tượng văn hóa của Thủ đô, của đất nước nên cần những bước nghiên cứu khảo sát, đưa ra giải pháp thận trọng, bài bản và khoa học”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Có thực tế là việc lập quy hoạch di tích mang đến nhiều thuận lợi cho công tác bảo tồn, tôn tạo, tuy nhiên đến nay hầu hết di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội chưa triển khai được vấn đề này, do vướng mắc nhiều quy định, thủ tục. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, việc lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt còn vướng mắc nhiều thủ tục, quy định đan xen, chồng chéo, gây khó cho cơ sở.
Mặt khác, việc triển khai tu bổ, tôn tạo ở di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội hiện cũng tồn tại nhiều bất cập, do những hạn chế về hiểu biết đối với công tác này, mà câu chuyện chặt hạ cây lâu năm tại đình Chèm hay tu bổ sai phép tại chùa Bối Khê thời gian gần đây là ví dụ.
Cần nhanh chóng tu bổ, tránh hư hại nặng hơn
Thủ đô Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu lớn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại, với chủ trương di sản văn hóa là nguồn lực, sức mạnh mềm trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Mới đây, Hà Nội đã có chủ trương khởi động đại tu bổ di tích trên toàn địa bàn, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Xác định đây là công việc lớn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt và các di tích trọng điểm trên địa bàn thành phố; ban hành hướng dẫn về việc lập hồ sơ, dự án, thực hiện việc trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt… Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tu bổ, tôn tạo, kịp thời ngăn chặn hiện tượng tu bổ trái phép.
Trước yêu cầu này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, di tích xuống cấp, đặc biệt là xuống cấp các yếu tố gốc tại di tích quốc gia đặc biệt cần nhanh chóng triển khai các bước đầu tư tu bổ, tránh hư hại nặng hơn. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm báo cáo, đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác này. Đối với các dự án tu bổ, tôn tạo đã được phê duyệt, cần hướng dẫn cũng như giám sát chặt chẽ hơn quy trình thực hiện, không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc như vừa qua, trong đó ràng buộc trách nhiệm ngay cả với cơ quan giám sát, chứ không chỉ địa phương thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng dự định thành lập một hội đồng di sản, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chịu trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát tại các di tích đặc biệt quan trọng, di tích có nhiều đặc thù…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.