(HNM) - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, nhưng những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng có thể đặt ra những thách thức cho nền kinh tế của Lục địa đen trong trung hạn. Đây là cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đưa ra trong báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi năm 2022” vừa mới công bố.
Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Phi mặc dù châu lục này ghi nhận tỷ lệ tử vong ở mức khá thấp so với các khu vực phát triển hơn. Năm 2021, châu Phi chứng kiến kinh tế phục hồi, với GDP ước tính ở mức 6,9% sau mức giảm 1,6% trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. AfDB dự báo tăng trưởng GDP thực của châu Phi sẽ giảm xuống 4,1% trong năm nay và đình trệ 4% vào năm 2023. Do giá năng lượng và lương thực tăng vọt liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, tỷ lệ lạm phát được nhận định sẽ tăng lên tới 13,5% trong năm 2022 so với mức 13% năm 2021.
Các nhà kinh tế cho rằng, đại dịch Covid-19 đã đảo ngược thành quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở châu Phi. Báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi 2022” chỉ rõ rằng đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine có thể để lại ảnh hưởng lâu dài trong vài năm, nếu không muốn nói là cả thập kỷ. Trong khi đó, khoảng 30 triệu người ở châu Phi đã bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021 và khoảng 22 triệu việc làm bị mất trong cùng năm vì đại dịch. Và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục đến nửa cuối năm 2022 và đến năm 2023.
Với giá lúa mì dự kiến sẽ tăng hơn 40% trong năm nay; giá dầu thực vật, ngũ cốc, thịt ở mức cao nhất, cuộc xung đột ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu và khủng hoảng giá sinh hoạt. Trong vòng ba năm tới, các nhà kinh tế trưởng dự đoán tình trạng mất an ninh lương thực sẽ xảy ra trầm trọng nhất ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi.
Trên thực tế, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, một số tác động trực tiếp lên châu Phi bao gồm: Gián đoạn thương mại; giá lương thực, nhiên liệu tăng đột biến; bất ổn kinh tế vĩ mô và thách thức an ninh. Các nước châu Phi bị ảnh hưởng đặc biệt do phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Việc tăng giá thực phẩm và nhiên liệu hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ châu lục, bao gồm cả các nền kinh tế lớn nhất. Ngoài ra, sự thiếu hụt và gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón sẽ làm gia tăng nạn đói ở châu Phi. Tăng trưởng xuất khẩu ở châu Phi có nguy cơ bị thu hẹp một nửa và hiện ước tính ở mức 4,1% vào năm 2022, trái ngược với 8,3% nếu xung đột không xảy ra.
Châu Phi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng "kép" với những tác động tổng hợp của cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi 2022” đề xuất một loạt các khuyến nghị chính sách nhằm xây dựng trở lại tốt hơn và tạo ra các nền kinh tế có khả năng phục hồi ở châu Phi. Các đề xuất bao gồm: Tăng tốc độ tiêm chủng Covid-19 và hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp dược phẩm trong nước; giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lương thực đơn lẻ và xem xét lại các khuôn khổ nợ toàn cầu. AfDB đã thông qua một chương trình khẩn cấp trị giá 1,5 tỷ USD để giảm bớt tác động của tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng trên khắp lục địa. Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - ông Achim Steiner cho biết: “Bây giờ là thời điểm quan trọng để hành động. Đã đến lúc tăng cường các nỗ lực và điều chỉnh tài chính, tăng cường khả năng phục hồi ở các nền kinh tế châu Phi. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế như một động lực chính cho sự thay đổi ở châu Phi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.