(HNM)- Theo các chuyên gia, năm 2010 có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) cao nhất từ trước đến nay, gấp hơn ba lần chỉ tiêu Quốc hội giao, với kim ngạch (KN) XK đạt khoảng 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và tăng 17% so với kế hoạch. Dự kiến, năm 2011, XK có khả năng tăng 10% nhưng sẽ gặp nhiều thách thức mới.
Xuất khẩu nhiều, nhưng chưa ổn định
KNXK năm 2010 đạt mức khả quan nhờ giá tăng và số lượng tăng trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới. Năm 2010, giá XK bình quân tăng mạnh so với năm trước đã giúp KNXK tăng khoảng 3,4 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là cao su. Năm 2010, lượng cao su XK ước đạt 774 nghìn tấn, đạt KNXK gần 2,3 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ về lượng (1,7%) nhưng tăng gấp 2 về trị giá. Tiếp đến là gạo với sản lượng XK năm 2010 ước đạt 6,1 triệu tấn, đạt giá trị gần 2,7 tỷ USD. Giá gạo XK của Việt Nam đã tăng 8% so với giữa tháng 8 và đang giao dịch ở mức bình quân 490-500 USD/tấn. Sau đó đến hóa chất, sắt, thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây và cáp điện, máy móc... cũng tăng giá 5%. Chỉ có dầu thô, sắn và sản phẩm từ sắn giảm về KNXK so với cùng kỳ. Năm nay, Việt Nam có thêm mặt hàng hạt điều, xăng dầu lọt vào nhóm có KNXK hơn 1 tỷ USD.
Như vậy, Việt Nam đã có 16 mặt hàng và nhóm hàng gia nhập "câu lạc bộ 1 tỷ USD" KNXK (gồm dệt may, giày dép, thủy sản, dầu thô, điện tử và máy tính, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, đá quý và kim loại quý, máy móc thiết bị, cao su, cà phê, phương tiện vận tải và phụ tùng, than đá, dây điện và cáp điện, xăng dầu, hạt điều). Trong đó, XK dệt may mặc dù gặp khó khăn về chi phí sản xuất đầu vào tăng, về nhân lực lao động không ổn định... nhưng vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Hiện, XK hàng dệt may giữ vị trí số 1. Đặc biệt, đóng góp vào KNXK tăng mạnh phải kể đến nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu được giá. KNXK nông - lâm - thủy sản năm nay tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2009 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường… Cơ cấu hàng hóa XK đã, đang có những chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo; giảm dần XK hàng thô, có giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo đã tăng mạnh từ 58,2% (năm 2009) lên 62,3%, trong khi nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 15,9% xuống 11,3%.
Bộ Công thương cho rằng, KNXK tăng 24% so với năm 2009 là một con số không nhỏ và đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức tăng trưởng này vẫn chưa bảo đảm sự ổn định, bền vững, vì nếu tính chung năm 2009 với mức tăng trưởng âm 8,9%, cả 2 năm tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt mức 15,1%. Như thế, mỗi năm chỉ đạt trung bình 7,5% và điều này được đánh giá là mức tăng trưởng thấp.
Thách thức mới
Dự báo, năm 2011 kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhất là sự phục hồi của các thị trường XK truyền thống, đang tạo điều kiện tốt cho hàng hóa XK của Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có khả năng sẽ khả quan hơn vì các nhà đầu tư được khích lệ trước những cam kết của Việt Nam về cải cách và mở cửa nền kinh tế. Nhiều dự án FDI có vốn đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục đi vào hoạt động, trong đó khá nhiều dự án sản xuất hàng XK. Các chính sách phát triển thương mại, dịch vụ và thị trường trong nước thuận lợi, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt sản lượng tối đa... Tất cả các yếu tố này tạo cơ sở để dự báo năm 2011, KNXK sẽ tăng hơn 10% so với năm 2010 và dự kiến đạt khoảng 78 tỷ USD. Trong đó, XK của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 38 tỷ USD, chiếm 48,7% tổng KNXK và tăng 13% so với năm 2010.
Theo Bộ Công thương, mặc dù Quốc hội đã giao nhiệm vụ tăng trưởng XK năm 2011 ở mức 10%, nhưng sẽ không dễ thực hiện. Nhìn vào cơ cấu XK có thể thấy, đóng góp của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tiếp tục giảm do lượng dầu khai thác trong nước sẽ "chảy" vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhiều hơn khi nhà máy này bước vào giai đoạn chế biến sâu và tăng công suất trong năm 2011. XK than năm 2011 dự kiến cũng giảm từ mức 18-19 triệu tấn (năm 2010) xuống 16,5-17 triệu tấn (năm 2011). Với việc giá cả nhiều mặt hàng XK đã tới ngưỡng cao trong năm 2010 thì khả năng tăng giá tiếp trong năm 2011 cũng rất khó.
Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu XK của năm 2011 cũng sẽ khó khăn hơn khi các thị trường XK chủ lực của Việt Nam có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản thương mại với hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của hàng XK Việt Nam còn thấp do nhiều mặt hàng gia công, XK phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tiến độ thực hiện các dự án sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ còn chậm. Tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, chi phí nhân công có xu hướng tăng nhanh cũng khiến hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mất dần lợi thế giá nhân công rẻ; năng lượng cho sản xuất như than, điện, chưa phát triển kịp đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế khác...
Với mục tiêu đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu để cải thiện cán cân thương mại, năm 2011, ngành công thương sẽ tiếp tục khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do, đồng thời phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Âu, Tây Á - Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin. Các thị trường chủ lực trong năm 2011 vẫn là châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ... Ngành công thương sẽ tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA), nhất là ở thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực, để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường này. Đồng thời, gắn thị trường XK với thị trường nhập khẩu, đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có, góp phần giảm nhập siêu của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.