(HNM) - Ruộng đất manh mún nên chưa thể áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất (SX) khiến chất lượng sản phẩm thấp và khó hình thành vùng sản xuất chuyên canh để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa.
Ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho việc cơ giới hóa nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Linh Ngọc
Còn 55% diện tích manh mún
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các huyện, thị xã đã DĐĐT giai đoạn 1997- 2010 được 79.514,33ha, đạt 44,35% tổng diện tích đất SX NN trên địa bàn TP. Trong đó các huyện có diện tích DĐĐT lớn như: Thường Tín đạt 93,18% tổng diện tích, Phú Xuyên 65,45%; Hoài Đức 67,46%; Thanh Oai 51,63%... Các huyện DĐĐT ít là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Mê Linh… Năm 2011, công tác DĐĐT tiếp tục được hâm nóng khi các địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn thành phố đã dồn đổi được 4.317,32ha. Trong đó huyện Sóc Sơn 3.864,62ha; Mê Linh 300ha và huyện Ba Vì 152ha. Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho rằng, kết quả DĐĐT còn thấp, toàn TP vẫn còn 55% diện tích đất SX NN cần phải DĐĐT trong năm nay.
Tình trạng đất manh mún, nhỏ lẻ đang cản trở sự phát triển NN, xây dựng NTM ở các địa phương. Sóc Sơn là huyện có diện tích đất sản xuất NN lớn với hơn 13.200ha nhưng đồng đất cao thấp, ruộng đất manh mún, bình quân mỗi hộ từ 10-18 ô thửa, có nơi 25-30 thửa/hộ... Xã Tân Hưng, Sóc Sơn có 557ha đất NN. Toàn xã có gần 1.700 hộ gia đình với gần 32.000 thửa ruộng, thửa lớn nhất là 800m2, thửa nhỏ nhất là 26m2. Giá trị thu nhập từ SX NN chỉ đạt 35-40 triệu đồng/ha/năm. Nhiều xã ven đô đất sản xuất NN manh mún, xen lẫn với khu đô thị công nghiệp nên hiệu quả canh tác rất thấp. Mới đây, tại hội nghị giao ban về xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM TP Nguyễn Công Soái cho rằng: Nếu không DĐĐT, hiệu quả kinh tế nông nghiệp sẽ rất thấp, không hình thành những vùng SX hàng hóa chuyên canh lớn thì khó có nền NN hiện đại và sản phẩm chất lượng cao. DĐĐT kém đang là cản trở lớn nhất đối với sản xuất NN ở Hà Nội.
Đâu là giải pháp?
Hiệu quả từ DĐĐT thành công tại một số địa phương đang là minh chứng thực tế. Những trang trại nuôi trồng thủy sản tập trung trên vùng trũng hai xã Trung Tú và Phương Tú, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế từ 150-300 triệu đồng/ha là thành quả có được trong hai đợt DĐĐT tại đây. Sau khi DĐĐT, trên địa bàn xã Đại Thắng (Phú Xuyên) đã hình thành nhiều trang trại, vùng SX hàng hóa lớn cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha trở lên. Nhiều vùng sản xuất giá trị cao thu nhập 300-400 triệu đồng/ha như vùng trồng hoa ly tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng; vùng SX lúa hàng hóa chất lượng cao tại HTX Thanh Văn, huyện Thanh Oai; vùng trồng nếp cái hoa vàng xã Liên Hà, huyện Đông Anh... đều hình thành từ khi có cánh đồng mẫu lớn.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, một số huyện làm tốt DĐĐT đã mở ra nhiều vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, tăng giá trị sử dụng đất đai. Tuy nhiên, dù hiệu quả kinh tế từ DĐĐT rất lớn, nhưng nhiều địa phương rất ngại triển khai công tác này bởi đây là việc khó vì động chạm đến quyền lợi của khoảng 25% số hộ, trong đó có nhiều hộ trước đây được chia ruộng vào những vị trí thuận lợi giờ không muốn chia lại. Diện tích đất ở các địa phương không đồng đều, nằm ở nhiều xứ đồng khác nhau nên việc quy hoạch lại, chia đất cho nhân dân rất khó khăn và phải có nguồn kinh phí lớn. Ngoài ra, một bộ phận người dân có tư tưởng chờ dự án để hưởng đền bù giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như tại huyện Quốc Oai có 14.000ha đất tự nhiên, trên 4.000ha đất NN nhưng có trên 7.000ha đã được quy hoạch làm các dự án nhà ở, khu công nghiệp… Đất SX đang nằm xen kẹt, nhỏ lẻ ở các khu đất dự án nên DĐĐT đang là bài toán khó đối với Quốc Oai.
Hà Nội phấn đấu trong năm 2012 sẽ hoàn thành DĐĐT, làm nền tảng cho nâng cao giá trị đất canh tác. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, UBND TP cần sớm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có cơ chế cho DĐĐT để các địa phương thực hiện. Các huyện, thị xã khi triển khai công tác này phải gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng NTM mới cho hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.