(HNM) - Thuê lại ruộng đất của xã viên để sản xuất rau an toàn (RAT), tạo điều kiện đầu tư đồng bộ và áp dụng cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX nông nghiệp (NN) Hương Ngải (Thạch Thất) đã nỗ lực thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp. Mô hình sản xuất, tiêu thụ RAT điểm của huyện tại Hương Ngải đã đạt kết quả ngoài mong đợi.
Giảm chi phí - nông dân hưởng lợi
Ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, toàn xã có 324ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa là 293ha. Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, UBND xã đã quy hoạch chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng RAT, xây dựng vùng chuyên canh rau cung cấp cho thị trường Thủ đô. Tuy nhiên, ruộng đất trên địa bàn xã còn manh mún, gây khó khăn cho sản xuất. Tháng 8-2010, HTX NN Hương Ngải đã đứng ra thuê lại ruộng đất của 60 hộ xã viên để quy hoạch vùng rau tập trung, diện tích 3ha. Hiện khu sản xuất RAT của xã được đầu tư khá bài bản, có hệ thống nhà lưới, nhà điều hành, hệ thống điện, nước…
Ông Nguyễn Đỗ Ban, Chủ nhiệm HTX Hương Ngải cho biết, tổng số vốn đầu tư cho khu sản xuất RAT khoảng trên 1 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 40%, còn lại lấy từ nguồn quỹ của HTX. Sau khi thuê lại ruộng đất của xã viên, HTX quy hoạch lại đồng điền, đóng cọc tiêu để tạo mặt bằng sản xuất rộng rãi; đưa máy móc vào đồng ruộng một cách thuận lợi. Trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp leo thang như hiện nay, việc tập trung sản xuất giúp giảm 10-15% chi phí sản xuất so với phương thức đơn lẻ của người dân. Sau khi quy hoạch được đồng đất, UBND xã Hương Ngải đã phối hợp với Chi cục BVTV Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất RAT cho xã viên, tạo việc làm cho 25 lao động, trong đó có khoảng 20 lao động thường xuyên với thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến giữa tháng 4-2011, HTX đã thu được trên 300 triệu đồng tiền rau, chưa kể nguồn thu từ 1,6ha khoai tây Đức, năng suất 15 - 20 tấn. Với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, ước tính HTX cũng thu khoảng 250 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, từ hiệu quả mô hình trên, huyện đang triển khai 3 dự án lớn như RAT ở xã Hương Ngải 55ha, dự án trồng hoa chất lượng cao tại xã Yên Bình 30ha; dự án trồng cây thanh long ruột đỏ 35ha ở xã Bình Yên và Kim Quan. Trong đó dự án xây dựng vùng sản xuất RAT tập trung tại xã Hương Ngải đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất, giao UBND huyện làm chủ đầu tư với các hạng mục: Xây dựng hệ thống giao thông nội đồng; hệ thống điện; thủy lợi; lắp đặt một số nhà lưới đơn giản để sản xuất rau giống và rau trái vụ; xây dựng khu sơ chế, bảo quản, điều hành, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm… kinh phí 23 tỷ đồng. Một số dự án còn lại cũng được UBND TP Hà Nội phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư. Trước mắt, huyện đã hỗ trợ nông dân xã Hương Ngải thực hiện trồng 3ha mô hình RAT, xã Yên Bình 3ha mô hình trồng hoa chất lượng cao, gần 6ha thanh long ruột đỏ ở Bình Yên và Kim Quan. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả tốt, "đầu ra" ổn định… Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình chuyển đổi trên địa bàn huyện đều vướng do công tác dồn điền, đổi thửa khó khăn, nông dân có đất không muốn cho chủ trang trại thuê. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn thiếu và yếu kém, hầu hết đường giao thông kết nối các mô hình chuyển đổi đều là đường đất, khó khăn cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa.
Có thể thấy sự xuất hiện những mô hình sản xuất RAT ở Hương Ngải đang tạo ra cách làm mới thích hợp nhằm cổ vũ các xã mạnh dạn chuyển từ sản xuất truyền thống sang đầu tư khoa học, công nghệ vào nông nghiệp an toàn trên địa bàn Thạch Thất. Hiện huyện đang xây dựng lộ trình cụ thể cho từng sản phẩm nông nghiệp, từ đó có đầu tư trọng điểm để nông dân có thêm điều kiện sản xuất theo đúng quy trình, tạo ra sản phẩm sạch, giá thành hạ. Có như vậy, sản phẩm RAT nói riêng và các nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap của huyện nói chung mới có chỗ đứng trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.