Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết xưa, Tết nay

Mỹ Văn| 07/02/2010 08:23

(HNM) - Việt Nam là đất nước nông nghiệp, trong năm có rất nhiều lễ tiết. Tết Nguyên đán diễn ra vào buổi sớm đầu năm mới của lịch âm là to hơn cả, trong dân gian gọi tết này là tết Nhớn (Lớn) hay tết Cả.

Chợ hoa Hàng Lược. Ảnh: Linh Tâm


Trong các lễ vật, ngoài hương hoa, trầu rượu, vàng mã, chủ nhà còn sắm mũ, áo, hia, và một con cá chép để Táo công bay lên trời. Sau lễ, cá được thả ra sông, hồ.

Cũng từ ngày 23, cùng với việc lo sắm tết, người ta còn quét dọn nhà cửa, lau đồ thờ phụng. Theo PGS Trần Lâm Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, có thể hình dung như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Tại đó có hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, còn hương là tinh tú. Hai bên bát hương, phía sau hai cây đèn, thường có hai cành hoa cúc giấy. Với nhiều bông nhỏ bao quanh một bông lớn. Hai cành hoa này hoa vàng bên trái tượng trưng cho ngày (dương); hoa bạc bên phải là cho đêm (âm). Trong các lễ vật, tại hai bên phía sau ban thờ, có dựng hai cây mía còn cả ngọn và lá xanh. Màu xanh không chỉ là biểu tượng của mùa xuân, cây mía còn để các ông Vải gánh vàng mã đi đường và nếu bị cướp thì đánh lại quỷ dữ.

Trong gia đình của người Việt cổ, trước nhà có treo bùa gỗ có hình hai vị Thần Trà, Uất Lũy. Tích xưa kể rằng, ở dưới gốc đào núi Độ Sóc có hai ông tên gọi là Thần Trà, Uất Lũy cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào lang thang làm hại dân thì thần giết đi. Vì vậy, người xưa treo đào phù là để quỷ sợ không dám vào quấy nhiễu dân lành. Sau này, bùa gỗ được thay bằng câu đối dán hai bên cửa. Tục viết câu đối Tết bắt đầu từ đây.

Vào ngày 28, 29 tháng Chạp, nhiều nhà chặt cây tre có dáng đẹp dựng nêu trước nhà. Trên ngọn cây nêu có để vàng mã của con cháu dành cho người đã mất và treo chuông khánh, khi gió thổi, chuông khánh phát tiếng kêu rất vui tai. Ở các ngôi chùa làng, cây nêu còn có thêm lá phướn. Phật cắm nêu, quỷ sợ không dám đến. Tại các gia đình, người ta còn rắc vôi bột từ chân cột cây nêu ra hết ngõ nhà mình. Điểm cuối vẽ cung và mũi tên để trừ quỷ dữ. Có nơi như ở làng Kim Lan, huyện Gia Lâm, người ta vẽ hình tròn ở điểm kết thúc.

Cùng với cây nêu, người xưa còn dùng “trúc bộc”. Trúc bộc được làm bằng những ống tre, bên trong có nhồi thuốc tự tạo, khi nổ tỏa khói màu xanh có mùi thơm. Lúc giao thừa, người ta chỉ nổ dăm ba quả đủ đuổi ma tà. Sau này, khi con người làm ra giấy, người ta nhuộm giấy màu hồng để quấn thay cho ống tre trúc gọi là pháo. Trong mấy ngày tết, nhà nào cũng đốt pháo. Sách Kinh sở tuế thời ký có nói, khi sơn tiêu (ma núi) phạm vào người thì sinh đau ốm. Ma núi chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo nó không dám đến nữa.
Trong 14 ngày Tết (từ 23 tháng Chạp đến ngày Khai hạ mồng 7 tháng Giêng), con người và đất đai cùng được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả. Tết xưa chính là bộc lộ sự mừng vui của nông dân khi được mùa, đồng thời cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ và báo hiếu ông bà, tổ tiên. Vào ngày 30, dù bận rộn đến mấy, con cháu cũng phải ra mộ sửa sang, thắp hương, mời tổ tiên về ăn Tết. Suốt trong những ngày tết, ông bà ngự trên ban thờ. Vào ngày mồng 4 (có nơi để đến mồng 7) mới hóa vàng. Ngày này, con cháu tập trung làm cỗ lễ tiễn ông bà về “nơi ở cũ”.

Nửa đêm 30, chùa gióng chuông, đình đánh trống, các gia đình bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Làng xóm tổ chức tế giao thừa tại các điếm sở. Tục ta tin rằng, mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc dân gian, hết năm thì vị thần nọ bàn giao cho vị thần kia, cho nên người ta tế lễ để “tống cựu nghênh tân” tiễn ông thần cũ đón ông thần mới.

Nhà buôn Hà Lan Xamuyen Barông miêu tả tết Đàng ngoài của Việt Nam năm 1683 như sau: “Ngày 25 tháng Chạp là ngày sắp ấn, ấn vua, ấn quan đều cất vào hộp một tháng. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa, con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt. Mồng 1 Tết nói chung không ai ra khỏi nhà vì sợ gặp vía dữ. Sợ giông xúi cả năm, người ta không cho ai một ngụm nước, một thanh củi nào. Mồng 2 Tết mới là ngày đi lại, ăn uống chúc Tết nhau. Trong hội vui ngày Tết, có nhiều trò vui: đá cầu, đánh đu, bách hí, chọi gà”. Một nhà du lịch người Anh viết trong Chuyến đi Đàng ngoài năm 1688: “Tết là ngày hội lớn nhất. Ở đây ăn Tết từ 10-12 ngày; trong những ngày này, người ta không làm gì cả mà chỉ chơi bời, giải trí, mọi người đều ăn mặc quần áo mới. Ngoài đường, cả thành phố và nông thôn người ta đi lại xem các trò vui”.

Tết miền Nam cũng có chọi gà, đá cầu, đánh đu, đấu võ, diễn tuồng, đốt pháo hoa. Trịnh Hoài Đức miêu tả thật sinh động tết ở Gia Định giữa thế kỷ XIX: “Mỗi năm, cứ đến 28 tháng Chạp, các phường sắc bùa đến các nhà hát chúc phúc”. Ngày trừ tịch, nhà nào cũng trồng một cây tre trước cửa, trên đầu cột buộc một cái giỏ tre, trong đựng trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc gọi là dựng nêu. Đến ngày mồng 7 thì hạ nêu. Trong những ngày Tết, không được đòi nợ, phải đợi sau 3 ngày hạ nêu mới được đi đòi. Cuối năm thường may quần áo mới, sửa sang bàn thờ tổ tiên, có thứ gì đẹp đẽ đem bày ra hết. Lại dặn bảo người nhà làm việc phải cẩn thận, không được đánh đổ đánh vỡ, cho khỏi giông xúi cả năm”.

Ở Gia Định xưa, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày Tết Nguyên đán, có trò chơi đánh đu với các loại đu thong, đu vân xa (đu mây) hay đu tiên, đu rút, đu giằng xoay.

Những nét đẹp của Tết cổ truyền đã ăn sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt. Trước đây, mỗi lần Tết đến, ở mỗi gia đình không thể thiếu được Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Giờ đây, đời sống mọi nhà đã khá lên rất nhiều. Số đông người sống ở thành thị, chẳng thấy ai nói “ăn Tết” mà họ lo đi chơi Tết là chính. Bánh chưng tượng trưng cho đất vuông với hương vị nồng nàn vẫn còn đó nhưng người ta chỉ mua hoặc gói dăm ba cái để thắp hương ông bà. Trong những ngày Tết, người ta chuyển sang vui chơi (có nhiều gia đình đi du lịch nước ngoài), số đông các bà và nam thanh nữ tú đi du xuân dự hội đình, hội chùa. Tại khu vực nội thành, sáng mồng 4 Tết mở hội vật Mai Động (phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng), tưởng niệm tướng Tam Trinh, người có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, đồng thời là vị tổ vật võ của nước ta. Sáng mồng 5 có hội Đống Đa, gợi nhớ chiến công giải phóng kinh thành Thăng Long của vua Quang Trung; mồng 6 có hội vật cầu ở làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai); hội rước cá lăng của làng Đại Lan, xã Duyên Hà, Thanh Trì. Sáng mồng 6 còn là ngày khai hội đền Sóc và hội chùa Hương…

Từ Tết năm 1992, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xuất hiện nhà nho Lê Xuân Hòa đến đây viết câu đối. Chữ của cụ được thể hiện trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, với các thể chân, thảo, lệ đã được khách trong và ngoài nước yêu thích. Từ đó, thú chơi câu đối Tết có tự nghìn xưa dần được khôi phục. Mấy năm nay, các điểm viết câu đối Tết có ở Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Hình ảnh cụ đồ trong trang phục áo the, khăn xếp bên mực Tàu, giấy đỏ đã trở nên quen thuộc với những người trẻ tuổi. Ngoài các điểm viết vừa nêu, có người cầu kỳ vẫn tìm đến các bậc túc nho như cụ Nguyễn Văn Bách ở phố Tràng Tiền, cụ Nguyễn Đức Chỉnh ở ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai xin các chữ Hiếu, chữ Đức, chữ Phúc, chữ Trí… mà mình hằng yêu thích.

Trải bao năm tháng, dẫu hình thức của phong tục Tết đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh hoa của phong tục đẹp ngày Tết vẫn còn. Có chăng, chỉ khác ngày tiễn ông Táo, cá chép ngày trước được thả xuống sông, hồ thì nay được thay dần bằng cá chép giấy; pháo đêm giao thừa được thay bằng pháo hoa bắn lên từ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu và hơn hai chục điểm khác ở khắp nội ngoại thành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết xưa, Tết nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.