(HNM) - Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân Hà Nội lại nô nức thực hiện Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Năm nay, ngoài tạo phong trào trồng cây gây rừng đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường, toàn thành phố đặt mục tiêu trồng 800 nghìn cây xanh đô thị, góp phần làm cho Thủ đô của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Cho thành phố thêm xanh
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Tết trồng cây tại các địa phương đã hoàn tất. Các quận, huyện, thị xã đều đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ phát động Tết trồng cây. Tại các huyện, thị xã có rừng, ngoài tuyên truyền, giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động gắn Tết trồng cây với trồng rừng và bảo vệ phát triển rừng...
Các em thiếu nhi tham gia Tết trồng cây tại thành cổ Sơn Tây.Ảnh: Nhật Nam |
Năm nay, huyện Thanh Trì tổ chức lễ phát động Tết trồng cây gắn với sự kiện chào mừng 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, địa phương này đã chuẩn bị 50 cây bóng mát, đường kính từ 20 đến 25cm, cao trên 5m, bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ lễ phát động. Huyện mời đại diện nhân dân, cán bộ các xã, thôn tham dự lễ phát động, và chính đội ngũ này sẽ trở thành nòng cốt tuyên truyền đẩy mạnh Tết trồng cây ở các thôn, làng, khu dân cư và ngay tại gia đình mình.
Tại huyện Đan Phượng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Hữu Tịnh cho biết: Đi đôi với tuyên truyền, vận động, giao chỉ tiêu trồng, bảo vệ cây xanh trên trục đường giao thông, vườn hoa, nơi công cộng, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân trồng mới, thay thế vườn cây ăn quả hiệu quả thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao như: Cam Canh, bưởi Diễn, xoài, nhãn… Năm 2017, huyện phấn đấu trồng mới và trồng thay thế gần 26 nghìn cây xanh. Lễ phát động Tết trồng cây được huyện tổ chức tại Trường Tiểu học xã Hồng Hà vào sáng mùng 6 Tết.
Tại thị xã Sơn Tây, Tết trồng cây sẽ diễn ra vào ngày mùng 7 Tết tại khu Văn Miếu, xã Đường Lâm. Với mong muốn làm cho phong cảnh ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa, thị xã Sơn Tây phát động phong trào "Mỗi người trồng một cây xanh". Ngoài làm tốt việc trồng cây gây rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển hơn 330ha rừng tập trung và trồng nhiều cây phân tán trên địa bàn, Tết trồng cây năm nay, thị xã phấn đấu trồng 38 nghìn cây xanh, gồm cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát. Đây là một trong những địa phương luôn dẫn đầu thành phố thực hiện tốt công tác trồng cây xanh với những phong trào rất thiết thực và có ý nghĩa, góp phần bảo vệ diện tích rừng, tạo môi trường xanh, lá phổi sạch cho Thủ đô.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, bên cạnh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng, Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 800 nghìn cây xanh phân tán trong năm 2017. Để chuẩn bị cho Tết trồng cây, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch sát với đăng ký của từng quận, huyện, thị xã, đồng thời, định hướng về công tác chuyên môn cho các địa phương như: Chuẩn bị đất, chọn cây trồng phù hợp; chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị cây giống phục vụ Tết trồng cây...
Thiết thực, hiệu quả, không phô trương
Do diễn biến ngày càng phức tạp của khí hậu, thời tiết và thiên tai lũ bão liên tiếp xảy ra, công tác trồng cây xanh, cải thiện điều kiện môi trường, cảnh quan đô thị luôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, mỗi năm Thủ đô lại được bổ sung một lượng cây xanh khá lớn. Đáng nói, diện tích trồng cây ăn quả ở khu vực ngoại thành đã có sự thay thế các giống cây mới có năng suất chất lượng cao, góp phần cải tạo vườn tạp trong nông hộ, mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương. Ước tính, mỗi năm, toàn thành phố có thêm khoảng 500ha cây ăn quả các loại được trồng mới. Năm 2013, Hà Nội có khoảng 14.500ha cây ăn quả, thì nay đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản được 16.400ha, trong đó, tập trung phát triển các cây chủ lực như: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn chất lượng cao, chuối nuôi cấy mô.
Khu vực ngoại thành gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm mới được hàng trăm tuyến đường, hàng nghìn ngôi trường, nhà văn hóa, khu vui chơi công cộng mới… Bên cạnh đó, cây xanh được trồng kịp thời đã tạo cảnh quan làm đẹp làng quê. Ở nội thành, cây xanh cũng tiếp tục được trồng bổ sung trong các trường học, khu đô thị mới, đặc biệt là lựa chọn cây trồng phù hợp trên các tuyến phố, vừa tạo cảnh quan vừa giúp thành phố thêm xanh, sạch.
Để tổ chức Tết trồng cây năm nay bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, Sở NN&PTNT đã có hướng dẫn các địa phương chọn cơ cấu giống cây phù hợp. Đối với trồng rừng, chọn các cây thông, keo, lát hoa, sấu, trám, sao đen, de, mỡ, chiêu liêu; đối với cây bóng mát, chọn cây muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, sữa, bàng lá nhỏ; cây ăn quả chọn bưởi, nhãn, cam, xoài, táo. Việc tổ chức Tết trồng cây cũng được quán triệt: Trồng cây phải chăm sóc để cây sống khỏe mạnh...
Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa: Trong 5 năm gần đây, Hà Nội có đổi mới trong công tác trồng cây. Thành phố không cấp kinh phí cho công tác này mà giao cho UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Năm 2016, toàn thành phố đã trồng được 796 nghìn cây xanh các loại (cây bóng mát và cây đường phố) đạt 99,5% kế hoạch, một số huyện vượt kế hoạch như: Ba Vì, Thạch Thất, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mỹ Đức...
Mỗi Tết trồng cây, TP Hà Nội lại được bổ sung hàng trăm nghìn cây xanh. Để rồi, sau mỗi năm nhìn lại, những dải cây xanh mọc lên ngày một lớn tạo nên những cung đường xanh; những vùng chuyên canh cây ăn quả mang lại hàng trăm triệu đồng/ha canh tác; cây rừng phủ xanh những khoảng đất trống, đồi gò..., qua đó góp phần dựng xây Thủ đô của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.