Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết Nguyên đán Canh Dần: Không lo thiếu hàng và quá sốt giá

Lan Hương| 15/01/2010 15:40

(HNMO) – Còn tròn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần, thị trường mua sắm hàng hóa Tết đang dần sôi động. Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 25% so với các tháng trong năm, ước đạt 14.000 tỷ đồng, tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như: thịt gia súc gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau củ quả, bánh mức kẹo…

(HNMO) – Còn tròn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần, thị trường mua sắm hàng hóa Tết đang dần sôi động. Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 25% so với các tháng trong năm, ước đạt 14.000 tỷ đồng, tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như: thịt gia súc gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau củ quả, bánh mức kẹo…

Thành phố kích cầu

Trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng. Ví như Tháng khuyến mại Hà Nội diễn ra vào tháng 11/2009 đã thu hút 350 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia với khoảng 1.000 điểm bán hàng. Tháng khuyến mại đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của người tiêu dùng, thể hiện ở việc tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng tăng gần 800 tỷ đồng so với tháng 10/2009, giá cả thị trường được bình ổn.

Bên cạnh đó là chương trình đưa hàng về nông thôn, Sở Công Thương đã tổ chức cho các doanh nghiệp đưa hàng về các huyện ngoại thành để bán hàng phục vụ nhân dân từ tháng 9 đến tháng 12/2009. Việc bán hàng diễn ra tại 38 điểm, đạt doanh số 3,6 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán này, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức cho các doanh nghiệp đưa hàng về các huyện ngoại thành, nhất là các huyện xa trung tâm, các xã miền núi.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tổ chức phiên giao dịch hàng hóa với sự tham gia của 28 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đến từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và 61 đơn vị sản xuất, phân phối của Hà Nội. Trong dịp Tết này, các doanh nghiệp đã nghiên cứu các nguồn hàng và hợp đồng để mua hàng hóa thiết yếu của các tỉnh đưa về phục vụ thị trường Hà Nội, bao gồm gạo chất lượng cao, thịt lợn, thịt bò, gia cầm, rau quả tươi, nông lâm thổ sản, thủy hải sản…


Ảnh chỉ có tính chất minh họa


Doanh nghiệp trữ hàng tết, bình ổn giá cả

Ngày 3/12/2009, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 6322/QĐ-UBND phê duyệt tạm ứng vốn cho 12 doanh nghiệp với số tiền 250 tỷ đồng trong thời gian 5 tháng, lãi suất 0% để dự trữ hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Các doanh nghiệp được tạm ứng vốn dự trữ hàng hóa là những đơn vị có kinh nghiệm và uy tín trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; Có năng lực trong sản xuất, thu mua, dự trữ và cung ứng hàng hóa với giá cạnh tranh trên thị trường; Có hệ thống mạng lưới cửa hàng, điểm bán hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô; Có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu: cam kết tham gia điều tiết cung cầu, giá cả thị trường được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Theo đó, đến nay đã thực hiện giải ngân được 98% vốn tạm ứng cho 11 doanh nghiệp để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết (còn lại 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Phúc Thịnh chưa đủ hồ sơ tài sản đảm bảo đối với số vốn được tạm ứng nên không được hỗ trợ).

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay Sở đang phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra tiến độ nhập hàng thiết yếu của các doanh nghiệp về số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa tham gia bình ổn, kiểm ra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, đăng ký giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá của thành phố. Liên ngành Tài chính – Công Thương cũng kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện các nội dung đã cam kết về tổ chức nguồn hàng, chất lượng, giá bán…Các doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa bán hàng và thời gian đóng cửa, tại tất cả các điểm bán hàng Tết của doanh nghiệp đều phải treo băng rôn về việc bán hàng phục vụ Tết để khách hàng biết.

Bên cạnh đó, vào Tết Nguyên đán Canh Dần, thành phố đã phê duyệt 51 địa điểm bố trí chợ hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm trong nội và ngoại thành, phục vụ nhân dân mua bán thuận tiện

Mặt khác, lực lượng Quản lý thị trường thành phố cũng đã có kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào việc chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết như: bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa quả, lương thực, thực phẩm; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán hàng cao, gây bất ổn thị trường.

Có thể thấy, Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng với sự chỉ đạo chặt chẽ của thành phố, các cấp, các ngành, sự tham gia bình ổn của doanh nghiệp,nhân dân Thủ đô có thể yên tâm đón một cái Tết vui tươi, lành mạnh, không lo thiếu hàng, không lo quá sốt giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Nguyên đán Canh Dần: Không lo thiếu hàng và quá sốt giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.