(HNM) - Những ngày này, đồng bào dân tộc Mông, Dao tại các xã vùng núi của Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức đang nô nức chuẩn bị đón Tết. Các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp cũng nỗ lực để bảo đảm cho người dân nơi đây có một cái Tết đầy đủ, sum vầy.
Người Dao tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) bên nồi bánh chưng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Ảnh: Viết Thành |
Chỉ còn hơn ngày nữa là bước sang năm mới Ất Mùi 2015, vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Thu, ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì lại tất bật vừa lo thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, vừa chuẩn bị làm đất gieo cấy lúa xuân. Trong vườn nhà, vợ chồng ông đã chăm được vài chục con gà ta và đàn lợn mán để phục vụ Tết. Với những người làm nông, thu nhập chỉ trông chờ vào đồng ruộng, việc chuẩn bị thực phẩm Tết rất quan trọng nhằm bớt đi những khoản chi tiêu cuối năm. "Năm nay sản xuất nông nghiệp được mùa, bà con chăn nuôi thuận lợi, sản phẩm bán được giá nên việc sắm Tết cũng dễ thở hơn" - Bà Thu cho biết. Trên những sườn đồi của xã Ba Trại, nhiều nông dân vẫn hối hả chăm sóc những luống chè xanh đang đâm chồi, nảy lộc.
Được biết, xã Ba Trại là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Ba Vì với hơn 260 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,7%) và khoảng 250 hộ gia đình chính sách. Xã có hai thôn 8 và 9 thuộc diện đặc biệt khó khăn bởi có tới 60% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Bà Nguyễn Thị Son - Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, do điều kiện đặc thù khó khăn nên ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, xã đã tích cực chuẩn bị triển khai nhiệm vụ Tết. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, đời sống của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Đồng bào dân tộc trên địa bàn xã nói chung đã không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Các dịch vụ đã phát triển nên người dân có điều kiện mua sắm trong dịp Tết khá thuận lợi. Ở các xã miền núi khó khăn, Tết đến Xuân về, đều có hàng hóa bình ổn giá, trợ giá của thành phố bán cố định cũng như lưu động với đủ các nhu yếu phẩm cần thiết như bánh kẹo, muối, mắm… Tết ở đây nhà nào cũng có cây đào, có khi tới cả vài gốc đào phai bên hiên nhà, mỗi con ngõ, triền núi, đủ làm cho sức xuân ở đây mang phong vị riêng! Còn ở xã Ba Vì, xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Vì với 98% người dân là đồng bào dân tộc Dao, tính đến cuối năm 2014 vẫn còn có 489 hộ nghèo, chiếm 26%, do đất canh tác ít, trình độ dân trí thấp, nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, trong năm qua toàn xã có 30 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở đã xuống cấp mà gia đình không có khả năng tự xây, sửa. UBND xã đã phối hợp với một số đơn vị, DN tặng 50 suất quà, trị giá gần 1 triệu đồng/suất cho các hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn và từ nay đến Tết sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà toàn bộ số hộ nghèo, gia đình chính sách còn lại. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho biết: Các DN trên địa bàn đều đã chung tay, tặng 2.274 suất quà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện trong đó riêng Công ty cổ phần Ao Vua tặng 700 suất, trị giá hơn 200 triệu đồng… Tinh thần tương thân tương ái đã trở thành nét đẹp của cộng đồng DN trên địa bàn nói chung và của Công ty Ao Vua nói riêng.
Theo ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì: Năm 2014 vừa qua là một năm có nhiều nét mới với đời sống bà con dân tộc miền núi Ba Vì. Đời sống văn hóa xã hội được quan tâm, phát triển kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nông sản đã và đang xây dựng được thương hiệu, có vị thế, chỗ đứng trên thị trường như gà, chè, sữa. Chỉ tính riêng cây chè với diện tích trên 1.600ha toàn huyện được trồng ở hầu hết các xã miền núi nhưng tập trung chủ yếu ở xã Ba Trại, sản lượng chè búp khô hằng năm đạt trên 1.600 tấn. Cây chè đang là cây trồng giúp đồng bào miền núi xóa đói, giảm nghèo từng bước vươn lên làm ăn khá, giàu. Về chăn nuôi, là một vùng có tiềm năng thế mạnh về chăn nuôi, một số vật nuôi chủ yếu là: Bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm, tổng đàn gia súc gia cầm và tỷ lệ xuất chuồng chiếm trên 25% so với chăn nuôi toàn huyện tập trung ở các trang trại vừa và nhỏ. Hiện nay, chăn nuôi bò sữa đang mang lại thu nhập cao cho nhân dân vùng núi dân tộc thiểu số, nhiều hộ ở xã Tản Lĩnh và Vân Hòa có doanh thu trên 25 triệu đồng/tháng. Điển hình có các hộ gia đình: Bà Hoàng Kim Tới, Bùi Văn Cẩn, Bùi Tiến Trung, Đinh Văn Thịnh, Đinh Văn Hiệu, Nguyễn Văn Hùng (xã Vân Hòa), ông Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Hồng Quang, Bùi Văn Quân (xã Tản Lĩnh)... Trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản mới, trong đó, mô hình nuôi cá tầm ở xã Khánh Thượng đang dần hình thành và khẳng định điều kiện phù hợp để phát triển. Hiện nay, toàn xã có 10 hộ nuôi cá tầm đang cho thu hoạch lứa đầu tiên đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Các khu du lịch như Ao Vua, Đầm Long… cũng đang mở rộng dịch vụ, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc từ các loại nông sản, đặc sản vùng miền và bà con có một cái tết no đủ hơn mọi năm.
Tại huyện Phúc Thọ, các tổ chức đoàn thể của huyện chung tay cùng chính quyền địa phương vừa trao tặng nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong xã Phúc Hòa để kịp đón Tết với trị giá trên 100 triệu đồng. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, từ nay đến Tết, ngoài việc trang trí các tuyến đường và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung chăm lo Tết cho người dân. Đối với đồng bào dân tộc tại các xã Yên Trung, Yên Bình, có nhiều nét mới như văn hóa cồng chiêng được phục dựng, tổ chức sôi nổi ở khắp các bản làng, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới kiên cố, các trang thiết bị phục vụ như bàn ghế, loa đài, âm ly… đều đã được quan tâm mua sắm đầy đủ. Mặc dù, cuộc sống của người dân ở các vùng dân tộc miền núi còn khó khăn rất nhiều, nhưng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân, sự nghèo đói ở nơi đây đang dần vơi đi để đón một cái Tết no đủ, sung túc hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.