(HNM) -
Người Hà Nội nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết. Ảnh Tư liệu. |
Trước Tết Mậu Thân 1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết không nổ súng ở chiến trường miền Nam, còn Chính phủ Mỹ cũng cam kết không ném bom miền Bắc Việt Nam để nhân dân hai miền ăn Tết. Thế nhưng người Mỹ đã bội ước, chỉ ngừng ném bom đến thành phố Vinh. Nhưng mặc chiến tranh, người dân chả thể bỏ được Tết truyền thống. Báo Thủ đô Hà Nội ngày 2-1-1968 đăng thông báo bán gạo nếp Tết: "Mỗi người được 1 cân gạo nếp trừ vào tiêu chuẩn gạo tháng 1".
Ngày 3-1 báo đăng bán thịt lợn ăn Tết: "Phiếu N, E, ĐB được tăng gấp rưỡi, tính vào phiếu thực phẩm tháng 1". Như vậy là có gạo, thịt lợn để gói bánh chưng. Cũng như năm trước, mỗi bìa gia đình được mua một túi hàng Tết trong đó có gói mì chính, bánh pháo tép Trúc Bạch, gói chè Hồng Đào và bao thuốc lá Thủ Đô, hộp mứt thập cẩm, gói miến, miếng bóng và chai rượu mùi. Vì tiêu chuẩn có hạn nên nhiều gia đình đã đón con từ nơi sơ tán về Hà Nội. Thành ra phố xá đông đúc hơn ngày thường. Tuy nhiên với các gia đình sơ tán về nhà họ hàng ở quê thì lại lựa chọn ăn Tết ở quê cho tiện và cũng vui vì có họ hàng.
Ngày 7-1, các cửa hàng bách hóa trong nội thành bắt đầu bán túi hàng Tết. Ai cũng tranh thủ mua trước nên cửa hàng bách hóa nào cũng phải xếp hàng. Trên các tuyến phố, ngành thương nghiệp cho dựng các nhà tạm bằng những tấm cót lợp giấy dầu để bán lá dong gói bánh chưng. Ngày 23 tháng Chạp, chợ hoa Hàng Lược vẫn mở như những năm trước. Ngành thương nghiệp cho dựng các quầy bán các loại hoa và hoa đào ở đầu và cuối phố Hàng Lược.
Dù hợp tác xã Nhật Tân trồng đào cung cấp cho ngành thương nghiệp nhưng trên đất 5% người dân vẫn trồng đào nên chợ vẫn có nhiều người bán lẻ. Vì ở phố Hàng Lược vẫn có các hố cá nhân trú máy bay, nên chính quyền cho dân phòng đặt các tấm ván che miệng hầm. Chợ hoa khá đông vì người Hà Nội có truyền thống chơi hoa ngày Tết.
Đêm giao thừa quanh Hồ Gươm vẫn đông, dù trời lạnh đến mức cá ở hồ Hoàn Kiếm chết cóng. Thành phố không bắn pháo hoa nhưng các bóng đèn sơn màu xanh đỏ vàng treo trên cây vẫn sáng. Tàu điện từ ngoại ô vẫn leng keng đưa khách về Bờ Hồ chơi giao thừa. Gần 12h đêm, người dân tập trung dưới các loa công cộng chờ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết. Và rồi giọng Người ấm áp vang lên:
"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta".
Trận địa phòng không canh trời Thủ đô. Ảnh Tư liệu. |
Nhiều người không biết lời thơ chúc Tết của Bác Hồ cũng chính là hiệu lệnh cho quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công trên khắp các chiến trường. Nghe Bác chúc Tết xong quanh Hồ Gươm tiếng pháo tép nổ liên tục ròn rã. Và sau đó tin quân dân miền Nam đồng loạt tấn công các căn cứ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở khắp miền Nam loang ra thì tiếng pháo nổ không dứt.
Sáng mồng Một Tết, dù đang chiến tranh nhưng các đường phố vẫn không kém phần nhộn nhịp. Đường phố nhan nhản, đàn ông đàn bà diện áo đại cán. Lẻ loi người mặc áo vét và thành phố hầu như không có ai mặc áo màu trắng. Các ông bà già vẫn qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn đi lễ, thanh niên nam nữ vào xin lộc đầu năm, trẻ con xúng xính trong bộ quần áo mới cầm trên tay những quả bóng bay nhiều màu sắc.
Tại các quầy báo người dân xếp hàng dài mua Báo Nhân Dân và Báo Hànộimới để đọc tin chiến thắng từ cuộc tổng tiến công sau giao thừa ở chiến trường miền Nam. Số Báo Hànộimới này là số đầu tiên sau khi hợp nhất giữa báo Thủ đô Hà Nội với tờ báo tư nhân Thời mới. Tên báo Hànộimới do chính Bác Hồ đặt. Và số xuất bản ngày 25-1-1968 cũng là số Tết Mậu Thân 1968.
Không khí Thủ đô mấy ngày Tết thật yên ả, thanh bình. Trên hệ thống loa công cộng vẫn vang lên những bài hát về mùa xuân. Chiều mồng Ba Tết, nhiều gia đình đã đèo con cái trở lại nơi sơ tán. Thế là hết Tết, thành phố vắng dần. Những nòng súng 12ly7 vẫn vươn cao trên nóc các nhà máy. Hà Nội và cả miền Bắc lại sống trong không khí thời chiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.