(HNM) - Rất nhiều người Hà Nội đã chọn thành phố Hồ Chí Minh là quê hương thứ hai của mình để gắn bó, góp phần xây dựng và phát triển thành phố. Dù xa Thủ đô, lòng muôn người vẫn hướng về trái tim của cả nước, nhất là khi Tết đến, Xuân về.
Việc đầu tiên mà chị Trần Thu Trang, ngụ tại đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (quận 3) thực hiện trong sáng mùng 1 Tết Nhâm Dần là đun nồi nước mùi già, đặt dưới bậu cửa sổ đón nắng sớm. Trong không gian đậm mùi Tết, chị cùng chồng, con gọi điện cho bố mẹ đang ngụ tại căn nhà nhỏ trên phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), chúc ông bà năm mới nhiều sức khỏe, thêm niềm vui. Chị Trang tâm sự: “Tôi rời Hà Nội vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh được 3 năm để làm về truyền thông. Mỗi khi Tết đến, trong nhà không thể thiếu cành đào phai, lọ hoa lay ơn và nồi nước mùi già. Đó là những thứ gắn bó với tôi suốt nửa thế kỷ qua khi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nắng gió phương Nam làm đào ít thắm; nước mùi già không dậy mùi lâu, nhưng chúng gợi nhớ về Thủ đô”.
Trong khi đó, nhà văn Hoài Hương, một người con miền Nam, nhưng có một tuổi thơ không thể quên khi gắn với Hà Nội nhiều năm. Bố mẹ chị là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, gặp nhau ở Thủ đô rồi thành gia đình. Chị được sinh ra, lớn lên trong lòng Hà Nội trước khi về lại miền Nam cuối năm 1975. Với chị, Hà Nội luôn hiện diện trong tâm hồn và “thoát” ra bằng những câu thơ, áng văn mà chị vẫn miệt mài viết. Bên sắc mai vàng tươi rói trong nắng ấm phương Nam, chị nhớ về những mùa hoa cải vàng ven sông Hà Nội phố.
Nhà văn Hoài Hương viết: "Làm sao có thể quên những vườn hoa cải ven sông Hồng, giăng mắc tương tư cả miền thương nhớ phố Hà Nội. Mỗi vườn hoa cải là một cung bậc cảm xúc. Vườn Thạch Bàn đắm đuối nồng nàn cháy bỏng. Vườn Phù Đổng lãng mạn ngọt ngào đắm say. Vườn ven sông Đuống nôn nao da diết đằm sâu… Những vườn hoa cải tháng Giêng ven sông Hà Nội mang vẻ đẹp lộng lẫy mê hồn, làm cân bằng bao chênh vênh tâm hồn giữa khoảnh khắc giao mùa…”.
Những ngày Tết ấm phương Nam, bao người Hà Nội khác cùng hòa mình vào dòng người du xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ; đắm mình trong muôn sắc hoa tại Hội hoa xuân Tao Đàn hay thư thái tản bộ quanh hồ Bán Nguyệt, trên đường hoa Xuân quận 7. Đó là những điểm vui Tết chính của người dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có những điểm vui chơi, thu hút đông người qua lại. Dù vừa trải qua những khốc liệt do dịch Covid-19 gây ra, nhưng ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, thành phố đã sớm tăng tốc, hướng đến thành công trong năm mới. HĐND thành phố đã đề ra mục tiêu năm 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 6-6,5% so với năm 2021. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền và người dân thành phố, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của cả nước.
Trở về nhà tại hẻm 144 đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4 sau ca làm việc xuyên đêm Giao thừa tại Tân cảng Cát Lái, bốc xếp chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên trong năm mới Nhâm Dần của thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Phương Trung, một người gốc Hà Nội năm nay không về cùng gia đình đón xuân trong căn nhà nhỏ trên phố Bà Triệu, cho biết: “Có hơn 210.000 tấn hàng xuất khẩu được giao ngay trong ngày đầu năm mới. Những người công nhân chúng tôi mong được góp một phần sức mình để thành phố đầu tàu kinh tế cả nước bật dậy trong năm 2022”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.