Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tên trộm nước Tề

Đồ Nghệ| 04/07/2010 06:09

(HNM) - Báo chí đưa tin, sau cuộc họp cách đây ít ngày, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất khởi kiện Công ty Vedan, "kẻ thảm sát" sông Thị Vải, tàn phá nghiêm trọng môi trường khu vực này, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt, sản xuất của người dân. Theo đó, sẽ có nhiều luật sư được mời đại diện 1.255 nông dân bị hại.

Hành vi xả thải của công ty Vedan ra sông Thị Vải, đã ảnh hưởng trực tiếp người dân nuôi trồng, đánh bắt hải sản và làm muối. Từ nay đến ngày 20-7, các cơ quan chức năng và người dân bị thiệt hại trên sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý, đòi bồi thường đủ 53 tỉ đồng.

Người nông dân TP Hồ Chí Minh cũng "lên tiếng", yêu cầu bồi thường 45,7 tỷ đồng, nông dân Đồng Nai yêu cầu 120 tỷ đồng.

Diễn biến vụ Vedan diễn ra như một vở diễn, đầy kịch tính: Xả thải nguy hại bừa bãi ra môi trường - bị phát hiện - bị dư luận "đánh" tơi tả, thậm chí bị đề nghị truy tố... Rốt cuộc, Vedan chỉ bị phạt nhẹ như gãi ngứa khi mức phạt không thấm tháp gì so với lợi nhuận thu được. Người nông dân yêu cầu bồi thường, Vedan không chấp nhận, chỉ đồng ý hỗ trợ. Bất ngờ hơn, Vedan còn được trao giải thưởng "Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng" (giải thưởng sau đó bị rút)... Hiện tại, Vedan chỉ chịu "trả" người nông dân TP Hồ Chí Minh 7 tỷ đồng, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu 10 tỷ đồng, nông dân Đồng Nai 15 tỷ đồng.

Trong khi người nông dân cũng như cơ quan chức năng Việt Nam "đánh vật" với Vedan thì ngay sau thảm họa dầu tràn - ảnh hưởng mạnh tới hoạt động đánh bắt hải sản và đời sống hoang dã ở vịnh Mexico (Mỹ), "tội đồ"- tập đoàn dầu lửa khổng lồ BP đã phải nhanh chóng thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ USD để bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa mà vẫn chưa xoa dịu được dư luận.

Chưa so sánh về quy mô, mức độ nhưng theo kết quả khảo sát, Vedan gây ra 89% ô nhiễm ở sông Thị Vải.

Nói chung là như vậy...

Đây là chuyện cũ của người Tàu: Án Tử, tướng quốc nước Tề đi sứ Sở. Đang bàn việc bang giao, vua Sở cho giải một người nước Tề ăn cắp trên đất Sở vào. Án Tử trả lời: - Cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì ngọt, đem trồng ở đất Hoài Bắc hóa chua. Cành lá giống nhau mà quả chua, quả ngọt là tại làm sao? Tại thủy thổ khác nhau vậy. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp, có lẽ cũng tại vì cái thủy thổ khác nhau mà khiến ra như thế chăng?

Ý Án Tử là bởi hình luật nước Sở không nghiêm mà ra thế.

Trong trường hợp Vedan, nếu ở "quê nhà" Đài Loan, ông kẹ này có dám ngông nghênh như thế? Chắc chắn là không.

Hiện Việt Nam, như nhiều nước đang phát triển khác, đang trở thành "trạm trung chuyển" công nghệ, thiết bị lạc hậu. Nếu pháp luật, ở cả hai phía chế tài và thừa hành, không nghiêm thì sẽ còn có thêm rất nhiều tên trộm nước Tề, kiểu như Vedan tranh thủ đến nước ta để... làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tên trộm nước Tề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.