Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tên các anh đã thành tên đất nước

Chí Kiên - Duy Biên| 25/07/2012 06:29

(HNM) - Ở tuổi 84, một chân bỏ lại nơi chiến trường, phải dùng nạng, nhưng thương binh - Đại tá Nguyễn Sỹ Động vẫn dẫn chúng tôi băng qua con kênh vào khu vực trận địa năm xưa:


Tấm lòng vì đồng đội

Đã ngót 45 năm trôi qua nhưng ông Động vẫn không thể quên trận đánh cứ điểm biệt kích Tống Lê Chân, dù nó chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn. Ngồi giữa trận địa năm xưa, trên mảnh đất Tây Ninh nắng gió, người cựu chiến binh già bồi hồi: "Ở đây giờ đã thay đổi nhiều, giao thông cũng thuận tiện, đời sống người dân đã sung túc hơn. Trước kia, khu vực này là những cánh rừng hoang vu, vắng bóng người!". Ông bắt đầu kể từng chi tiết của trận đánh ác liệt mà ông giữ trọng trách là Tham mưu trưởng Trung đoàn. Tối 6-8-1967, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) hành quân đánh cứ điểm biệt kích Tống Lê Chân (căn cứ Cần Lê) thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Các chiến sĩ phải trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt qua quãng đường khoảng 9km. Tới 1 giờ sáng 7-8-1967 trận đánh bắt đầu. Địch tập trung bom đạn đánh trả điên cuồng, nhất là vị trí chiến đấu của Tiểu đoàn 5 và Đại đội 18 súng máy cao xạ 12 ly 7, khiến khoảng 100 chiến sĩ ta hy sinh, trong đó có Trung đoàn phó Thiết, đồng chí Luyến Chính trị viên Tiểu đoàn 5 và nhiều cán bộ trung, đại đội… Kể đến đây, ông Động giọng nghẹn lại: "Tiểu đoàn 5 bị thương vong nhiều nhất vì rút ra muộn do thọc vào sâu trong trận địa, trong khi người chỉ huy chính đã bị hy sinh nên gặp rất nhiều khó khăn. Phải đến 10 giờ sáng 7-8, trận đánh mới kết thúc. Ta rút quân, chuyển người bị thương vong về căn cứ".


Ông Nguyễn Sỹ Động đang bàn bạc với các cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh về việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở căn cứ Tống Lê Chân. Ảnh: Chí Đạo

Cách đây hơn 20 năm, một cựu binh Mỹ đã báo cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh: "Có hố chôn tập thể hơn 100 chiến sĩ quân giải phóng tại trận đánh Cần Lê…". Trước thông tin quý giá đó, nhiều tháng qua ông Động cùng một số gia đình đã mở một cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ngay tại trận địa Tống Lê Chân với hy vọng tìm lại người thân, tìm lại đồng đội. Bản thân ông còn cung cấp những thông tin giá trị gửi tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề đạt, nguyện vọng của các gia đình có người thân đã hy sinh. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã giao cho Tổng cục Chính trị chỉ đạo Quân khu 7, Quân đoàn 4 khảo sát thực địa, tìm hài cốt các liệt sỹ. Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) đã đề nghị Cục Chính trị Quân khu 7 chủ trì, chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp Quân đoàn 4 và địa phương xác minh thông tin hài cốt hy sinh trong trận đánh căn cứ biệt kích Tống Lê Chân ngày 7-8-1967 của Trung đoàn 165. "Đồng đội, đồng chí đã tiếp sức để tôi đủ sức khỏe cho những chuyến đi dài ngày tìm hài cốt liệt sỹ. Còn sức là tôi vẫn đi, phải suy nghĩ và tìm kiếm khi nào không còn sức nữa mới chịu thôi" - ông Động nói đầy quyết tâm!

Đến nay công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của ông Động và những gia đình có người thân hy sinh ở trận đánh cứ điểm Tống Lê Chân vẫn chưa ngừng nghỉ. Anh Tạ Văn Quý ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Nội), đã có nhiều ngày theo chân ông Động đi tìm hài cốt cha là liệt sỹ Tạ Văn Lộc, hy sinh trong trận đánh cứ điểm Tống Lê Chân cho biết: Hơn 10 năm qua, gia đình đã lặn lội từ các tỉnh miền Trung lên Tây Nguyên, rồi đến một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ để tìm hài cốt ông Lộc, cuối cùng gặp được ông Động và biết đích xác cha mình đã hy sinh trong trận đánh cứ điểm Tống Lê Chân. "Sau bao năm mòn mỏi đi tìm hài cốt của cha thì đây là một tin vui. Tôi rất cảm động vì tấm lòng của ông Động cùng các cựu chiến binh đã giúp đỡ gia đình tôi cũng như nhiều người khác", anh Quý tâm sự.

Những chiến công thầm lặng


Trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đầy gian truân, không thể không nhắc đến những người lính thời bình được giao trọng trách cao cả và thiêng liêng này. Trong một ngày cuối tháng 6, được Trung tá Nguyễn Văn Khương, Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thông báo đơn vị đang tìm hài cốt liệt sỹ ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), chúng tôi tức tốc rời TP Hồ Chí Minh lên đường từ lúc mặt trời chưa ló rạng. Băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, khá vất vả, chúng tôi đã tìm đến đúng địa điểm đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ. Từ sáng cho đến 15 giờ chiều, các cán bộ, chiến sĩ nhễ nhại mồ hôi dùng xẻng, máy xúc mi ni đào các khu đất nghi có hài cốt… Mỗi khi chiếc máy xúc lật từng lớp đất mỏng, nhiều đôi mắt lại dõi theo, hy vọng… Bất ngờ, anh Khương giơ tay yêu cầu dừng đào rồi nhảy xuống hố, lấy một nắm đất màu đen cho vào lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít mấy hơi. Sau một hồi anh lại bỏ nắm đất xuống rồi cho máy xúc đào tiếp. "Thông thường đất ở khu vực này đào sâu vài mét vẫn chỉ có một màu, thế nên khi thấy đất chuyển sang màu đen, tôi nghĩ có hài cốt. Theo kinh nghiệm, nếu đất có hài cốt sẽ có mùi đặc trưng. Vậy nhưng những mẫu đất tôi ngửi lại không có mùi đó. Nếu hôm nay không tìm thấy hài cốt liệt sỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi để tìm kiếm..." - anh Khương phân tích.

Tham gia chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ, chúng tôi mới hiểu rõ những nhọc nhằn, hiểm nguy đè nặng trên đôi vai của những người chiến sĩ Đội quy tập K71 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh. Được thành lập từ năm 2000, cán bộ, chiến sĩ của đội đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ, thậm chí có thể hy sinh tính mạng vì bom mìn luôn rình rập. Khó khăn vất vả, nhưng nghĩ đến những gia đình liệt sỹ chưa tìm được hài cốt người thân, vợ đang chờ đón chồng, mẹ chờ đón con, anh em chờ đón nhau nơi quê nhà thì dù chỉ là một mảnh xương còn sót lại, các anh lại hăng hái lên đường. Hơn 10 năm làm nhiệm vụ, đội đã tìm được hơn 1.500 hài cốt liệt sỹ.

Thượng tá Lê Văn Mỹ - Đội trưởng Đội quy tập K71 cho biết, các tỉnh của Campuchia giáp Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ thời kỳ từ 1968 đến 1974 là nơi tập trung các trạm phẫu thuật lớn như K21, K23, K28 (Cục Hậu cần), Bệnh viện K50, K52. Đáng nói là, trong hơn 1.500 hài cốt liệt sỹ được đội tìm thấy, cất bốc đưa về quê hương, phần lớn đều không có tên. "Các bác, các chú, các anh, các chị đã hiến trọn tuổi xanh và ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc. Nên tên của các anh hùng liệt sỹ đã thành tên sông núi, mãi mãi cho các thế hệ mai sau ghi nhớ" - Trung tá Nguyễn Văn Khương xúc động cầu khấn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tên các anh đã thành tên đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.