Theo dõi Báo Hànộimới trên

TE Cnnectivity nắm giữ 80% thị phần tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị kết nối và truyền dẫn

26/12/2011 07:26

Ông Neville Lai - Giám Đốc Kinh Doanh khu vực Châu Á - Bộ phận Mạng Doanh nghiệp - Công ty TE Connectivity cho biết:


Thưa ông, được biết công ty TE Connectivity đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 thông qua văn phòng đại diện Tyco Electronics Singapore và hiện tại đổi tên thành TE Connectivity. Xin ông chia sẻ thêm thông tin về quá trình chuyển đổi này?

Năm 1996, các sản phẩm mang thương hiệu AMP NETCONNECT - một công ty con của TE Connectivity lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thông qua văn phòng đại diện của công ty Tyco Electronics Singapore. Đến đầu năm 2011, chúng tôi đã mua lại ADC Krone, một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, đánh dấu bước phát triển cột mốc của TE Connectivity toàn cầu khi chính thức được hợp nhất bởi Tyco Electronics và ADC Krone, trở thành nhà sản xuất hàng đầu về các thiết bị kết nối và truyền dẫn, cung cấp cho khách hàng trọn bộ sản phẩm từ lĩnh vực công nghiệp nặng cho đến thiết bị dân dụng như máy tính và điện thoại.

Cụ thể, TE Connectivity hiện đang cung cấp những sản phẩm gì cho thị trường Việt Nam?


Các sản phẩm chính mà TE Connectivity cung cấp tại thị trường VN hiện nay bao gồm: sản phẩm về hệ thống cáp cho mạng máy tính (bao gồm cả cáp đồng và cáp quang), các sản phẩm truyền dẫn kết nối dữ liệu bên trong các trung tâm dữ liệu (data center), hệ thống mạng bên trong các tòa nhà, hệ thống truyền dẫn cáp quang viễn thông ngoài trời, các linh kiện điện tử, thiết bị kết nối cho các đường dây truyền tải điện (khách hàng lớn nhất hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN). Bên cạnh đó, công ty cũng cung cấp linh kiện điện tử cho các nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam, các sản phẩm cho thiết bị robot và các dây chuyền sản xuất các bo mạch điện tử.

Ông có thể kể tên một số đối tác chính của TE Connectivity cũng như các dự án lớn mà TE Connectivity đã thực hiện tại thị trường Việt Nam?

Trong khoảng 15 năm hoạt động tại Việt Nam kể từ năm 1996, công ty TE Connectivity đã cung cấp sản phẩm cho nhiều dự án lớn và các đối tác chiến lược như: các dự án ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, Techcombank...), các nhà cung cấp dịch vụ như Trung tâm dữ liệu của FPT, Viettel, VNPT, các cơ quan của chính phủ như Thông Tấn Xã Việt Nam, Tổng Cục Thuế, Bộ Ngoại Giao.

Bên cạnh đó, TE Connectivity cũng cung cấp hệ thống hạ tầng cáp và kết nối thiết bị cho các đối tác như Cisco, IPM, Dell, ADC... Ngoài ra, đối với các sản phẩm trong hệ thống IT, công ty cung cấp thông qua các công ty tích hợp hệ thống đối tác như FPT, CMC, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt... Các đối tác này sẽ được cung cấp các khóa huấn luyện bởi công ty TE Connectivity.

Xin ông cho biết những lợi thế và khó khăn của công ty TE Connectivity tại thị trường Việt Nam?


Lợi thế lớn đầu tiên của TE Connectivity là chúng tôi đã có mặt từ rất sớm tại thị trường thiết bị kết nối và truyền dẫn của Việt Nam với các sản phẩm mang thương hiệu AMP NETCONNECT. Trải qua khoảng 15 năm hoạt động, các đối tác và người tiêu dùng Việt Nam cũng đã biết đến và tin tưởng sử dụng các sản phẩm do công ty phân phối. Ngoài ra, TE Connectivity cũng đã thành lập 2 văn phòng đại diện phân phối tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với nguồn hàng phong phú và luôn luôn sẵn có, đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu của khách hàng. Chính lợi thế này đã gúp cho TE Connectivity nắm giữ 80% thị phần tại thị trường thiết bị truyền thông Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng vấp phải những khó khăn lớn tại đây. Thứ nhất là sự hạn chế quyền hạn hoạt động của văn phòng đại diện như không được bán hàng trực tiếp tại thị trường Việt Nam mà phải thông qua các công ty chi nhánh tại Thái Lan hoặc Singapore, hạn chế về dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng, những rào cản của Luật pháp Việt Nam đối với công ty nước ngoài. Khó khăn thứ hai là từ các sản phẩm hàng nhái, hàng giả. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các sản phẩm hàng nhái, hàng giả cũng được sản xuất ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho người sử dụng trong việc phân biệt và lựa chọn đúng sản phẩm chính hãng.

Công ty TE Connectivity đã có những kế hoạch và chiến lược như thế nào để giải quyết những khó khăn đang gặp phải và hướng đến phát triển hơn nữa tại thị trường Việt Nam trong tương lai?

Nhằm khẳng định cam kết kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam cũng như giải quyết những khó khăn đang gặp phải, chúng tôi đang xúc tiến thành lập công ty TNHH TE Connectivity Việt Nam với 100% vốn nước ngoài vào tháng 3 năm 2012 thay cho hai văn phòng đại diện hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó, TE Connectivity Vietnam sẽ triển khai dự án nhà kho thông qua hợp tác với các đối tác thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu là DHL và Schenker nhằm đáp ứng mọi nhu cầu về cung cấp và lưu trữ hàng hóa cho khách hàng. Việc thành lập công ty cũng sẽ giúp TE Connectivity đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả, đồng thời hỗ trợ tích cực cho mảng xuất nhập khẩu vốn bị hạn chế bởi chức năng của văn phòng đại diện trong hơn 10 năm qua tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi triển khai dự án nhà kho tại Việt Nam, các khách hàng có thể mua sản phẩm trực tiếp bằng tiền Việt, tránh được các rủi ro về chênh lệch tỷ giá khi đặt mua thông qua các công ty chi nhánh tại Thái Lan và Singapore trước đây.

Đối với bộ phận Mạng doanh nghiệp (Enterprise Networks), liệu TE Connectivity có kế hoạch phát triển nhà máy sản xuất riêng tại Việt Nam trong tương lai gần hay không?

Hiện nay, tổng giá trị của bộ phận mạng doanh nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ giá trị của tập đoàn, do đó chúng tôi chưa có đủ điều kiện để phát triển nhà máy sản xuất riêng tại Việt Nam trong tương lại gần. Cho đến thời điểm này, các sản phẩm gần như được nhập khẩu hoàn toàn. Tuy nhiên, một khi công ty TE Connectivity Việt Nam được chính thức thành lập, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động của bộ phận phát triển nhà cung cấp, kết hợp cùng với bộ phận mua hàng tìm kiếm các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có đầy đủ điều kiện sản xuất sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn của TE Connectivity. Từ đó, TE Connectivity sẽ phối hợp cùng các nhà máy này, cung cấp công nghệ và hệ thống quản lý, cùng tìm các vật liệu phù hợp và phát triển thành sản phẩm. Đồng thời, các nhà máy sản xuất này cũng sẽ tham gia vào hệ thống bán hàng cho TE Connectivity, Từ đó, TE Connectivity sẽ xuất khẩu sản phẩm tới hệ thống các văn phòng ở các nước. Bản thân thị trường Việt Nam cũng sẽ tự cung tự cấp sản phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TE Cnnectivity nắm giữ 80% thị phần tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị kết nối và truyền dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.