Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 kéo dài 4 ngày, các đơn vị vận tải đều đã sớm xây dựng phương án, sẵn sàng phương tiện phục vụ hành khách.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, đường sắt, hàng không còn rất nhiều vé, giá không quá cao. Trong khi đó, vận tải đường bộ không lo thiếu phương tiện.
Hàng không, đường sắt vẫn còn nhiều vé
Sáng 27-8, phóng viên Báo Hànộimới đã tra cứu trên trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không. Kết quả cho thấy, nhiều đường bay đến các vùng du lịch trọng điểm vẫn còn vé. Ở đường bay Hà Nội - Đà Nẵng (lịch khởi hành ngày 1-9, về ngày 4-9), Vietnam Airlines bán vé với mức giá thấp nhất khoảng 3,8 triệu đồng/vé khứ hồi.
Cũng hành trình này, Hãng Bamboo Airways có mức giá phổ biến khoảng 3,9 triệu đồng/vé khứ hồi. Nếu chọn bay vào sáng sớm hoặc đêm muộn thì mức giá rẻ hơn, khoảng 3,6-3,7 triệu đồng/vé khứ hồi. Đây cũng là mức giá của Vietjet Air.
Đường bay Hà Nội - Nha Trang (lịch khởi hành ngày 1-9, về ngày 4-9), giá vé khứ hồi của Vietnam Airlines khoảng 4-4,5 triệu đồng; Bamboo Airways khoảng từ 3,4-5 triệu đồng tùy giờ bay. Đây cũng là mức giá phổ biến của Vietjet Air trên đường bay này.
Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dự kiến, trong 4 ngày nghỉ lễ, có khoảng 410.000 lượt hành khách qua sân bay Nội Bài, tăng 37% và gần 2.500 lượt chuyến bay, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, nhu cầu vận chuyển không tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng hợp từ báo cáo kế hoạch khai thác và nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay các hãng hàng không dự kiến khai thác trong giai đoạn cao điểm từ ngày 31-8 đến 5-9 là hơn 5.300 chuyến, với tổng ghế cung ứng là 1,06 triệu ghế, tăng khoảng 20% so với giai đoạn bình thường và giảm nhẹ (3%) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong dịp cao điểm này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chạy thêm hơn 50 chuyến tàu trên các tuyến có mật độ hành khách tăng cao như: Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới… Bên cạnh đó, trên các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long, Đường sắt Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chạy thường xuyên 10 đôi tàu/ngày. Các tàu này sẽ tổ chức nối thêm toa xe khi nhu cầu của hành khách tăng.
Tính đến thời điểm khảo sát sáng 27-8, các chuyến tàu từ Hà Nội đi các điểm có nhu cầu cao như Vinh, Đồng Hới… trong dịp cao điểm nghỉ lễ Quốc khánh vẫn còn khá nhiều vé. Như chặng Hà Nội - Đồng Hới khởi hành ngày 30-8, tàu SE7 còn 162 ghế trống; tàu SE5 còn 134 ghế trống; tàu SE3 còn 62 ghế trống... Giá vé giường nằm điều hòa (khoang 6 giường) là 571.000 đồng/vé; ngồi mềm điều hòa 381.000 đồng/vé và vé loại này vẫn còn để phục vụ hành khách.
Trong khi đó, các chặng ngắn từ Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thanh Hóa…, lượng vé không còn nhiều, song hành khách nếu mua sớm vẫn có thể sở hữu những tấm vé cuối cùng.
Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dự kiến có hơn 50.000 vé tàu trên các tuyến được bán trong đợt này và sẽ tăng cường thêm khi phát sinh nhu cầu cao. Giá vé tàu Thống Nhất vẫn áp dụng bằng năm 2022. Với tàu địa phương tăng nhẹ, khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đường bộ không lo thiếu xe
“Dự báo, lượng khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay chỉ đạt mức tương đương lượng xe, lượng khách trong các dịp nghỉ lễ vừa qua và không vượt khả năng đáp ứng theo biểu đồ trên tuyến”, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng nhận định.
Cũng theo ông Phạm Mạnh Hùng, nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp này sẽ tăng nhưng phân bố không đồng đều mà tập trung vào một số địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành có điểm tham quan, du lịch.
Tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm dự kiến khoảng 12.000 lượt hành khách/ngày, tăng 200% so với ngày thường, tập trung chủ yếu ở các tuyến đi tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… với khoảng 900 lượt xe/ngày.
Tại Bến xe Gia Lâm, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 4.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 200% so với ngày thường, chủ yếu tập trung ở các tuyến đi thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh… với khoảng 400 lượt xe/ngày.
Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 15.000 lượt/ngày, tăng hơn 250% so với ngày thường, chủ yếu ở các tuyến đi các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng… với hơn 900 lượt xe/ngày.
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội vẫn đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp khoảng 300 phù hiệu xe tăng cường để trong trường hợp đột xuất có thể đáp ứng nhu cầu hành khách trong dịp lễ Quốc khánh 2-9. Đồng thời bến cũng đề nghị các đơn vị vận tải dự phòng phương tiện, kịp thời giải tỏa khi lượng khách tăng đột biến.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long:
Kiểm tra, kiểm soát phương tiện ra vào bến xe
Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị vận tải bằng xe buýt điều động phương tiện tăng cường, phục vụ giải tỏa khách tại các bến xe liên tỉnh, điểm trung chuyển, nhà ga trong thời gian trước và sau kỳ nghỉ lễ; chỉnh trang, vệ sinh toàn bộ hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố.
Các bến xe phải niêm yết, thông báo về luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé, phương tiện tăng cường; có đủ đèn chiếu sáng, khu vệ sinh, y tế…; phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh triển khai sớm các hình thức bán vé đến tận tay hành khách; bố trí thêm quầy bán vé…
Các bến thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát các xe ra vào; kiểm tra chất lượng xe, người lái, hàng hóa, hành lý theo quy định trước khi xe xuất bến. Từ chối phục vụ và kiên quyết không cho xe chở quá tải và không bảo đảm các điều kiện xuất bến, lập biên bản đối với các vi phạm, tổng hợp báo cáo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội để xử lý.
Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Thị Kim Ngân:
Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1
Từ ngày 1 đến hết ngày 4-9, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1, chủ động sẵn sàng các phương án phục vụ cao điểm nghỉ lễ Quốc khánh. Trong đó, cảng phối hợp với các hãng hàng không nắm bắt đầy đủ, kịp thời, chính xác kế hoạch bay để xây dựng phương án vị trí đỗ máy bay, bố trí quầy thủ tục, cửa ra máy bay và băng tải hành lý phù hợp với thực tế khai thác; chuẩn bị đủ số lượng quầy dự phòng cho các hãng hàng không tăng chuyến.
Mở tối đa máy soi chiếu an ninh tại các khung giờ cao điểm, bảo đảm lưu thông nhanh nhất. Siết chặt kiểm tra, soi chiếu an ninh, bảo đảm 100% hành khách, hàng hóa, hành lý... được kiểm tra, soi chiếu an ninh; linh hoạt hạn chế người nhà đưa tiễn tại Nhà ga hành khách T2…
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khuyến cáo, để làm thủ tục thuận lợi, tránh nguy cơ lỡ chuyến bay, hành khách cần kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân.
Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư và Công nghệ, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Trần Hoàng:
Không để bán vé cao hơn giá đăng ký
Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm này, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các bến xe trực thuộc (gồm Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) chủ động các phương án điều hành sát với diễn biến thực tế, bảo đảm tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết xử lý tình trạng “cò khách”, hàng rong gây mất an ninh trật tự tại bến xe; các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định niêm yết công khai giá vé tại nơi bán vé và trên phương tiện theo quy định; bán đúng giá vé đã đăng ký với cơ quan chức năng.
Đồng thời, bến xe phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương trong việc thực hiện các quy định, thể lệ vận tải và chất lượng phục vụ hành khách; kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải, bán vé cao hơn giá đã đăng ký, bảo đảm mọi hành khách trên xe đều có vé trước khi xuất bến.
Lương Ninh Giang ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.