(HNM) - Sau nhiều lần trì hoãn do trục trặc kỹ thuật, sáng 25-2 vừa qua tàu vũ trụ Discovery (Mỹ) đã rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida để lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Tàu Discovery trong một lần phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida, Mỹ). |
Discovery là tàu con thoi thứ ba của NASA được đưa vào hoạt động. Ngày 30-8-1984, sau nhiều năm chuẩn bị, tàu Discovery mang số hiệu STS-41-D lần đầu tiên được phóng vào không gian. Nhiệm vụ đầu tiên kéo dài trong 6 ngày của Discovery là mang 3 vệ tinh vào không gian và thử nghiệm kỹ thuật pin năng lượng mặt trời mới. Giống như những tàu con thoi khác, phần thân sau của Discovery bao gồm 3 động cơ chính giúp đưa nó vào không gian. Tàu Discovery có một khoang tải dài 18m, đủ để chứa một chiếc xe buýt. Để tránh cho Discovery bị tầng khí quyển phá hỏng khi trở về trái đất, các kỹ sư đã thiết kế một tấm cách nhiệt siêu nhẹ. Ở phía dưới cánh của tàu Discovery còn được lắp hàng nghìn tấm cách nhiệt màu đen với khả năng chịu nhiệt cao.
Trong chuyến bay “cuối cùng” này, Discovery mang theo 6 nhà du hành dày dặn kinh nghiệm, một module cố định đa mục đích (PMM), với đầy đủ trang thiết bị để các phi hành gia trên ISS có thể tiến hành các cuộc thí nghiệm ngoài không gian như khoa học vật liệu, công nghệ sinh học… Tàu Discovery còn mang theo một người máy đầu tiên lên vũ trụ, có tên gọi là Robonaut 2, hay R2. Đây sẽ là "cư dân lâu dài" trên ISS, bởi theo dự kiến trong vài tháng đầu R2 sẽ được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm Destiny. Sau đó phạm vi hoạt động và các ứng dụng của rô bốt này có thể sẽ được mở rộng. Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó, các nhà du hành từ R2 có thể bước ra ngoài khoảng không, sửa chữa, lắp đặt và tiến hành các nghiên cứu khoa học.
Mang theo sứ mệnh quan trọng nhưng Discovery cũng không ít lần "dở chứng". Phát hiện mới nhất ngày 11-11-2010 của các kỹ sư NASA về hai vết nứt trên bình chứa nhiên liệu bên ngoài đã buộc phải lùi thời gian phóng Discovery lên ISS. Những vết nứt trên vỏ thanh nhôm ngăn cách bình chứa khí oxygen lỏng với bình chứa khí hydrogen lỏng đã được phát hiện ra khi các kỹ sư tiến hành gỡ bỏ các miếng xốp cách nhiệt khỏi bình chứa bên ngoài. Những vết nứt này có độ dài khoảng 23cm.
Chuyến bay cuối cùng (25-2) của Discovery có ý nghĩa mở màn cho kế hoạch 3 tàu con thoi tiếp theo của NASA sẽ lần lượt "nghỉ hưu". Dự kiến Endeavour sẽ thực hiện chuyến bay cuối vào ngày 19-4 tới và tàu Atlantis là ngày 28-6. Để lấp chỗ trống này, Mỹ sẽ phải dựa vào tàu "Liên hiệp" (Soyuz) của Nga để đưa các phi hành gia lên ISS đến khi đưa vào hoạt động tàu vũ trụ mới có tên "taxi vũ trụ" dự kiến vào năm 2015. Kế hoạch này được NASA triển khai từ năm ngoái trong một hợp đồng được ký kết với cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) trị giá 335 triệu USD. Theo đó Nga sẽ giúp vận chuyển, cứu hộ và cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc đưa phi hành đoàn Mỹ lên ISS vào năm 2013. Thông tin ban đầu cho biết, phi hành đoàn Mỹ sẽ được đưa lên ISS trên bốn chuyến bay của tàu Liên hợp trong năm 2013 và trở về Trái đất trên bốn chuyến bay cũng của loại tàu vũ trụ này trong năm 2013 và 2014.
Discovery là tàu vũ trụ được NASA sử dụng nhiều nhất cho các sứ mệnh bay vào không gian, đưa người và thiết bị lên trạm ISS. Đây cũng là con tàu cũ nhất còn được sử dụng đến nay kể từ khi nó cất cánh lần đầu tiên. Kể từ chuyến bay đầu tiên năm 1984 cho đến ngày 7-3 tới - thời điểm Discovery trở về trái đất sau 11 ngày trên ISS, con tàu "lớn tuổi" nhất của NASA đã vượt được quãng đường dài 230 triệu ki lô mét, với 363 ngày trên vũ trụ và bay vòng quanh Trái đất 5.800 lần, mang theo 180 nhà du hành và hệ thống kính viễn vọng Hubble Space.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.