Nghĩ về sông tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ quá cố Bế Kiến Quốc: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông”. Được sinh ra và lớn lên bên những dòng sông trên đất Thăng Long - Hà Nội, hai câu thơ càng gợi cho tôi sự suy ngẫm về đất và con người Thủ đô.
Một đoạn sông Tô Lịch Ảnh: PA
Nói đến Thăng Long - Hà Nội, trước tiên phải nói đến sông Hồng, dòng sông lớn đỏ mọng phù sa đi vào huyền thoại và lịch sử. Sông Hồng có dòng chảy trên đất nước ta dài trên 529 km theo hướng Đông - Nam. Vào Việt Nam qua cửa Hà Khẩu và đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt. Sông Hồng vào Hà Nội tạo thêm một cảnh đẹp, có thể gọi là hùng vĩ Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Sông Hồng không chỉ là cái kho vô tận của phù sa, bồi dưỡng cho đôi bờ cấy cày, trồng tỉa ngày thêm giàu có mà từ xưa dòng sông đỏ này còn là “Hồng Hà chiến trận”. Dấu tích chiến công của nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm còn in khá đậm nơi đôi bờ bây giờ rợp bóng nhà cao tầng và những cánh đồng, mảnh vườn mập mạp, bốn mùa ửng vàng lúa chín, sum suê hoa trái.
Sông Hồng ghi dấu ấn với các trận đánh Hàm Tử, Chương Dương do Thượng tướng Trần Quang Khải và tướng Trần Nhật Duật chỉ huy đã đánhhai đồn lớn của địch trên dọc sông Hồng. Quân Nguyên - Mông thua to, số sống sót nhảy xuống thuyền chạy trốn. Sông Hồng vốn nước đã đỏ với hai trận đánh trên máu giặc đổ xuống dòng sông càng thêm đỏ “Sông Hồng ơi, đỏ phù sa/ Mấy đời máu giặc còn hòa với sông”. Dòng sông màu đỏ này còn hát mãi khúc hát trữ tình về câu chuyện tình yêu, tình vợ chồng đôi lứa Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Cô công chúa Tiên Dung thuộc dòng dõi “cành vàng lá ngọc” con vua Hùng thứ 16 đẹp duyên cùng chàng trai nghèo “rớt mồng tơi” quanh năm chỉ vận một chiếc khố sồi. Cái bãi cát trên sông Hồng ấy đã chứng kiến cuộc tình duyên vô cùng đẹp này. ấy thế mới đúng câu ca dao cổ: “Yêu nhau chẳng quản chiếu giường/ Một làn lá cọ che sương cũng là...”. Nơi đẹp tình duyên ngày xưa ấy bây giờ đã có ngôi đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Sông Hồng những năm Pháp thuộc có cây cầu Long Biên đi vào lịch sử. Sau ngày đất nước hòa bình có thêm cây cầu thế kỷ Thăng Long, sau đó là cầu Chương Dương bằng chính bàn tay khối óc người Việt Nam xây dựng, bây giờ đây sắp có thêm cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân tạo cho Hà Nội thành một “thành phố trên sông”. Sông Hồng bây giờ còn là “dòng sông du lịch”. Tại cảng Hà Nội có những con tàu ngày ngày sẵn sàng đón du khách tham quan dọc sông Hồng. Đứng trên con tàu bạn sẽ được tham quan đôi bờ sông Hồng những vùng đất thơ mộng: Làng cổ gốm sứ Bát Tràng, đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, rồi đến đền Lộ nơi thờ “Tứ vị thánh nương” và các làng mạc, bờ bãi, bến đò... những khu dân cư mới nằm bên đôi bờ sông Hồng đầy nắng gió, hương đồng, cỏ nội. Tôi nhớ Thánh Quát viết những lời đẹp về dòng sông Nhị Hà - tức sông Hồng: “Bức thành xây trên bụng rồng ngát trời hùng tráng. Dòng sông cuộn theo nước đỏ, thành làn sóng hoa đào...”.
Sau sông Hồng - nguồn cảm xúc của nhạc và thơ phải nói đến dòng sông Tô Lịch”. “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” không biết câu ca xưa có tự bao giờ nhưng đến nay nó vẫn cho ta thấy câu ca nói về dòng Tô Lịch, dòng sông đã “sinh” ra những bài thơ, những câu hát dân ca đằm thắm chất trữ tình.
Đi theo dấu xưa ta thấy, một nhánh từ làng Hồ Khẩu chảy về Cầu Giấy, rồiđến xã Thanh Liệt. Đến đây sông chia làm hai nhánh: một nhánh gặp sông Nhuệ tại Đại Thanh, còn một nhánh quành sang hướng Đông gặp sông Hồng ở Đông Mỹ. Xưa kia nước sông Tô trong xanh, dòng chảy êm đềm. Bầu trời Thăng Long ngày ấy khoáng đạt và tinh khiết, những dải mây ngũ sắc in dấu làn nước xanh của sông Tô làm nên cảnh đẹp diệu kỳ. Hai bờ sông những dãy nhà nối nhau được dựng lên, tạo ra phố phường sầm uất đông vui của kinh thành “trên bến dưới thuyền”. Câu ca xưa nghe rất trữ tình còn lưu lại đến bây giờ: “Sông Tô nước chảy trong ngần/ Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa/ Thon thon hai mũi chèo hoa/ Lướt đi lướt lại như là bướm gieo”. Có sông ắt phải có cầu, có lẽ cây cầu bắc qua sông Tô có “lý lịch” cổ nhất là cầu Đông rồi đến Cống Chéo, Hàng Lược, sau này thêm Cầu Giấy, cầu Cót, cầu Giát, cầu Mới, cầu Lủ, rồi cầu Trung Kính, cầu Minh Khai, cầu Minh Kính, cầu Quang... Rõ là: “Một sông, bảy tám cái cầu/ Chiều quê bảng lảng về đâu hỡi mình”.
Một thời sông Tô bị lãng quên, nhà cửa lấn dần, đôi bờ hẹp lại có chỗ thắt cổ bồng, đất đá, rác thải lấp dần. Người càng đông, dòng sông quá tải, ngập ngụa rác thải, nước đen ngòm tưởng như một cái mương. Rất mừng những năm gần đây thành phố đã có những dự án khả thi xây kè hai bên sông. Con sông Tô Lịch hồi sinh đó là tín hiệu mừng cho Thăng Long - Hà Nội sau này. Sông Tô đang được cải tạo, mở rộng lòng sông, xây kè đá vững chắc, trồng thêm cây xanh hai bên bờ. Từ Cầu Giấy đến Dịch Vọng những hàng cây thẳngtắp đang mở màu xanh hòa cùng màu xanh của nước bên bờ sông Tô lịch sử. Xin được dẫn thêm câu ca dao khá hay về dòng sông này: “Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya”.
Mở tiếp hồ sơ những dòng sông mang dấu ấn huyền thoại vừa độc đáo vừa hào hùng trên đất nội đô, người Thăng Long không thể không nhắc tới dòng sông Kim Ngưu.
Sông bây giờ chỉ còn một đoạn không dài. Bắt đầu từ Ô Đống Mác chảy qua cầu Mai Động, rồi đổ xuống phía mạn Thanh Trì. Lòng sông rộng không quá 10m, dù đã được kè hai bờ nhưng nước bị ô nhiễm nặng, phơi ra dưới nắng mưa một màu đen xám. Mấy cây cầu kiên cố được bắt qua sông rất đẹp. Bên sông bây giờ vẫn giữ được cái chợ Cầu Voi, chợ này không lớn nhưng cũng đủ mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày cho bà con khu vực này.
Cũng chính từ sông huyền thoại Kim Ngưu - sông Trâu vàng đã sinh ra một nhánh đẹp, nhánh ấy là sông Lừ. Thời xưa sông Lừ giữ vai trò quan trọng. Cái thời những ngả đường bộ chưa được tỏa rộng trên vùng đất kinh thành thì các dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng. Thuyền bè chuyên chở nhiều “thứ trên đời” để phục vụ đời sống cho chúng dân, sông Lừ là một con sông có chức năng như thế,nó giữ vai trò một đầu mối giao thông đường thủy nối liền vùng đất Hoàng Mai với các vùng đất thuộcphía Nam kinh thành, mạn Thanh Trì, tạo nên một địa phương có nhiều ao hồ và đầm lớn. Bên dòng sông Lừ còn có khu đền Lừ. Đền Lừ là một ngôi đền đẹp, tên chữ là Lữ Giang Tự. Đền Lừ thờ mấy vị tướng đứng dưới trướng của thượng tướng Trần Khát Chân, người được nhà vua phong cho vùng đất Cổ Mai làm ấp trang riêng.
Còn sông Sét bắt nguồn từ hồ Bảy Mẫu - Công viên Thống Nhất thoát nước qua đường Đại Cồ Việt chỗ có cái cống to gọi là cống Nam Khang. Là con sông nhỏ, chảy qua địa phận các phường Bách Khoa, Trương Định, Tương Mai và Đồng Tâm rồi chảy qua làng Sét, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) sau đó đổ nước ra trạm bơm Yên Sở.
Sông Lừ và sông Sét hiện đang được cải tạo. Đôi bờ sông hiện đã được cạp đá, trồng hai hàng cây xanh tỏa mát, trông cũng đẹp mắt như các dòng sông Tô, Kim Ngưu, góp phần nằm trong “thế trận thoát nước” của Hà Nội.
Bà con các phường sinh sống bên đôi bờ các con sông này đều mong muốn một ngày gần đây, thành phố sẽ hoàn thành việc sửa sang, giữ vẹn nguyên đôi bờ cho tất cả các dòng sông Hà Nội đều xanh - sạch - đẹp, đặc biệt 4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét làm tròn nhiệm vụ thoát nước cho nội đô Hà Nội. Xin được lãng mạn mà gieo mấy câu có vần:
Sông Hà Thành đẹp như thơ
Quanh năm tỏa mát đôi bờ cây xanh
Rồi chim về đậu trên cành
Líu lo hót, giọng vàng anh ngọt ngào...
Hà Nội, 1-7-2005
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.