Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tất bật chuẩn bị hàng Tết

Gia Bảo| 11/11/2022 07:36

(HNM) - Dự báo, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua hàng hóa của người dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cao. Các doanh nghiệp và các cấp, ngành của thành phố đang tất bật triển khai công tác chuẩn bị nguồn hàng ổn định với giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh).

Hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, việc sẵn sàng nguồn hàng và chất lượng sản phẩm đang được các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn hàng, vùng nguyên liệu để bảo đảm thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Theo dự báo của các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, sức mua của người dân có thể tăng 10-20% trong dịp Tết, nên sản lượng hàng hóa chuẩn bị cho thị trường cũng phải tăng tương ứng.

Dự báo trên hoàn toàn có cơ sở, bởi theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tại thành phố đạt 94.933 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng hơn 78% so với cùng kỳ. Tính 10 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ, tăng cao ở tất cả các ngành.

Chuẩn bị hàng hóa Tết, MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với dịp Tết 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Còn theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op đã chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa cho trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2023. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng về mặt chất lượng và xuất xứ các loại hàng hóa phục vụ đến tay người tiêu dùng.

Về phía đơn vị cung ứng nguồn hàng hóa, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%, với tổng giá trị hàng hóa hơn 710 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần năm 2022. Đặc biệt, trong 3 ngày 28, 29 và 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần, Vissan có chương trình khuyến mãi giảm giá để tạo điều kiện cho người lao động mua sắm thực phẩm bảo đảm chất lượng an toàn.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thị Huân thông tin, doanh nghiệp sẽ tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp Tết Quý Mão. Mặt khác, chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá bán ổn định trên thị trường thành phố.

Theo thông tin từ Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Quý Mão 2023. Trong đó, lương thực là 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm gần 55 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn. Đáng chú ý, ngành Công Thương thành phố đã đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường, xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm 25-43% so với nhu cầu của người dân thành phố, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, ngành Công Thương thành phố đã chủ động triển khai công tác bình ổn hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Đồng thời, để chủ động nguồn hàng Tết, thành phố cũng đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố lân cận nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát bình ổn hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tất bật chuẩn bị hàng Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.